Toàn cảnh buổi thảo luận
Toàn cảnh buổi thảo luận

Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng sau 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội và HĐND đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên đến nay, hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều ý kiến cho rằng các quy định trong dự thảo Luật cần rõ ràng, cụ thể hơn, nhất là trong công tác thẩm tra, giám sát để phát huy vai trò của HĐND cấp xã, phường hơn nữa; dự thảo Luật cần tập trung vào các nội dung giám sát, lựa chọn nội dung giám sát, chất vấn; quy định về việc giám sát của HĐND, thời gian, đối tượng giám sát. Đồng thời, cân nhắc quy định “cứng” về giám sát để không ảnh hưởng đến vấn đề cần giám sát của ĐBQH, HĐND; cần mở rộng đối tượng, phạm vi chất vấn để bảo đảm kỳ vọng của Nhân dân và đại biểu HĐND. Việc giám sát chuyên đề, giám sát về khiếu nại, tố cáo ở cơ sở một số vấn đề chưa cần luật hóa cần bổ sung vào các quy định ở các nghị quyết, các văn bản khác cho linh hoạt hơn.

Một số đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần cụ thể quá trình triển khai thực hiện các văn bản, điều kiện bảo đảm nguồn lực, phương tiện cho hoạt động giám sát của HĐND cấp cơ sở. Nhiều ý kiến cũng góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản cụ thể: Điều 59 bổ sung thêm về thời điểm xem xét và gửi báo cáo; điều 60 khoản 2, quy định căn cứ kỳ họp về vấn đề chất vấn;...

Tham gia góp ý, ĐBQH Cầm Thị Mẫn nhất trí với sự cần thiết ban hành sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND với những căn cứ chính trị và pháp lý, thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời đề nghị cần lấy ý kiến của Đoàn ĐBQH đối với nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Đề nghị cơ quan chủ trì rà soát, chỉnh lý lại quy định tại khoản 1 điều 60a để đảm bảo tính khả thi và đúng với tính chất loạt động giám sát việc thực hiện nghị quyết chất vấn và giám sát chuyên đề...

ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị chỉ nên giao thẩm quyền cho HĐND và Thường trực HĐND cấp trên không nên giao thẩm quyền toàn bộ cho đại biểu HĐND cấp trên thực hiện việc giám sát đối với đơn vị hành chính cấp dưới mà không tổ chức HĐND. Nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự thủ tục thực hiện việc chất vấn thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực như: Xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn; tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động quản lý, khai thác tiêu chuẩn...

Nhiều ý kiến cho rằng, quy trình, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn Việt Nam cần được rút gọn nhưng phải bảo đảm trách nhiệm của các bộ, ngành vì khi thực hiện quy trình này vẫn phải tuân thủ quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

An Nhiên