Thị trường đã trải qua đợt điều chỉnh kéo dài khoảng 2 tháng sau khi xác lập vùng đỉnh trong năm tại mốc 1.255 điểm, khiến VN-Index bốc hơi gần 220 điểm và mức định giá P/E của chỉ số rơi xuống mức 12-13 lần, thấp hơn 1 lần độ lệch chuẩn của P/E bình quân 10 năm qua của thị trường.

Dù VN-Index được đánh giá đã chiết khấu về vùng mà định giá thị trường và nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với mức điều chỉnh lên tới 10-30%, nhưng những rủi ro đến từ các yếu tố phức tạp như xung đột địa chính trị, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hay câu chuyện tỷ giá tăng vẫn đang hiện hữu và trở thành những áp lực đối với thị trường chứng khoán trong nước.

Trong tuần giao dịch gần cuối tháng 10 kém tích cực, đặc biệt là phiên giao dịch giảm điểm mạnh ngày 26/10 khi VN-Index giảm 4,28% với thanh khoản rất đột biến và điều chỉnh mạnh về vùng giá 1.040 điểm. Mặc dù có phiên giao dịch phục hồi tốt cuối tuần với đa số mã phục hồi tốt sau khi giảm mạnh, nhưng VN-Index vẫn giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 218,04 điểm giảm 4,56% so với tuần trước.

Tuần giao dịch 23-27/10, VN-Index giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm.
Tuần giao dịch 23-27/10, VN-Index giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm.

Sang phiên sáng ngày 30/10, thị trường nhanh chóng trở lại trong sắc đỏ sau phiên hồi phục cuối tuần trước. Áp lực bán gia tăng trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Đặc biệt, nhóm VN30 cũng đảo chiều điều chỉnh cùng thị trường khi đồng loạt đã đổi màu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Chỉ số VN-Index đang nỗ lực để giữ mốc 1.050 điểm khi số mã giảm điểm đang gấp hơn 3 lần số mã tăng. Nhóm VN30 cũng tiêu cực không kém khi không có nổi mã nào giữ được sắc xanh. Trong đó, riêng các mã lớn như VIC, VHM, VCB, TCB, VPB đang lấy đi gần 4 điểm của chỉ số chung. Bên cạnh đó, yếu tố thanh khoản tiếp tục là yếu tố đáng lo ngại với tổng giá trị giao dịch trên toàn sàn HOSE tại thời điểm này chưa tới 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích - CTCK Sacombank (SBS), hiện thị trường chưa xuất hiện tín hiệu để kỳ vọng về sự chuyển biến và xu thế ngắn hạn vẫn ở trạng thái tiêu cực, được đánh giá là nhiều rủi ro hơn cơ hội lướt sóng. Thị trường sẽ cần thêm thời gian để thực sự tìm được điểm cân bằng. Những ngưỡng hỗ trợ của chỉ số sẽ không có nhiều ý nghĩa lắm ở giai đoạn hiện tại khi dòng tiền ngắn hạn vẫn ở trạng thái suy yếu và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Minh An(t/h)