THCL Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD VN (Vinastas) vừa công bố, trong 253 mẫu cà phê được khảo sát, có tới 30,04% có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/l), trong đó có 5 mẫu hoàn toàn không chứa caffeine.
Khó kiểm soát chất lượng
Theo đó, các mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các điểm kinh doanh cà phê khác nhau như quán cà phê lịch sự, quán cóc, căng tin bệnh viện, cà phê vỉa hè và xe đẩy tại Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Sóc Trăng. Trong đó, nhóm cà phê không có caffeine hoặc hàm lượng không đáng kể chủ yếu được bày bán tại các quán cà phê vỉa hè, xe đẩy, căng tin bệnh viện, trường học...
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã truy ra khá nhiều vi phạm trong sản xuất cà phê, đặc biệt là việc dùng cùi bắp, đậu nành rang cháy cùng các hóa chất để “hô biến” thành cà phê bột. Những kẽ hở trong phương pháp quản lý vẫn tạo điều kiện cho thị trường tiêu thụ cà phê bẩn ở Việt Nam ngày càng “nhộn nhịp”.
Đặc biệt, với mô hình “cà phê dạo”, hiện đang được phát triển rộng rãi, phù hợp với lối sống ngày càng bận rộn của NTD ở các thành phố lớn. Khách hàng có thể dễ dàng được thưởng thức một ly cà phê này với giá chỉ 10.000 đồng/ly (được phục vụ tận nơi). Trong khi đó, tại các nhà hàng, quán cà phê sang trọng, ly cà phê lại được bán với giá 50.000 – 70.000 đồng/ly. Việc kiểm soát chất lượng của dạng cà phê này thực sự khó, hiện nay vẫn chưa có thống kê nào cho biết tại Việt Nam đang có bao nhiêu đơn vị sản xuất cà phê bột.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nếu NTD sử dụng phải cà phê “độn” sẽ không tốt cho sức khỏe, đây đều là các loại thực phẩm được khuyến cáo không nên sử dụng, bởi khi vào cơ thể nó sẽ sinh ra các chất lạ gây bệnh.
Cần có chế tài đủ mạnh
Vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành TP. HCM cùng các cơ quan chức năng “đột kích” và tiếp tục phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại Q. Bình Tân và huyện Bình Chánh sản xuất cà phê “độn” đậu nành. Chủ cơ sở này khai nhận, ngoài kinh doanh cà phê “nguyên chất”, ông còn nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá 1.500 đồng/1kg.
Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Đắk Lắk cũng đã công bố kết quả nghiên cứu trên 27 mẫu cà phê bột và cà phê hòa tan của 30 cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngoài nguyên liệu cà phê nhân thì có trên 70% số cơ sở dùng thêm đậu nành, bắp, đậu đỏ, caramel, hương liệu cà phê, bột va ni, rượu, bơ các loại, và có cả… nước mắm để sử dụng cho chế biến cà phê. Tuy nhiên, tỷ lệ cà phê nhiều hay ít, các thành phần còn lại gồm những chất độn gì thì gần như không được kiểm tra, bóc tách để phân biệt.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), nếu café có chứa hàm lượng caffeine thấp hơn hàm lượng công bố hay hoàn toàn không chứa caffeine thì đó là gian lận thương mại. Hiện Cục ATTP đang đề nghị Vinastas gửi kết quả khảo sát nói trên về Cục để làm rõ hơn, lý do vì việc lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày chỉ là khảo sát dự báo chứ không phải cơ sở pháp lý để xử phạt. Đồng thời, Cục ATTP cũng sẽ đi lấy mẫu café để kiểm nghiệm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng năm Cục ATTP đều tổ chức lấy hàng nghìn mẫu các sản phẩm thực phẩm khác trên thị trường, đặc biệt là những sản phẩm nghi ngờ, có nguy cơ cao để xét nghiệm. Khi xét nghiệm nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề thì lúc đó mới tổ chức đoàn xuống kiểm tra, lấy mẫu theo quy trình và lúc này nếu phát hiện sai phạm mới xử lý được, ông Phong nhấn mạnh.
Trước thực trạng cà phê bẩn đang tung hoành, nếu như các cơ quan chức năng chỉ phạt vì độ ẩm, hàm lượng caffeine không đúng với thông tin công bố trên bao bì thì chưa đủ, bởi những chất độn, phụ gia, hóa chất này là gì, có tác hại đến sức khỏe NTD ra sao, thì chưa đơn vị nào đánh giá được. Cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn kịp thời việc này, bảo vệ sức khỏe NTD.
Nguyễn Kiên