Theo Báo cáo kết quả sản xuất tôm nước lợ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Thủy sản, năm 2023, cả nước sản xuất được 10.094 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bằng 90,1% so với năm 2022. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737 ngàn ha, cơ bản không tăng so với năm 2022.
Năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 737.000 ha. Sản lượng tôm các loại ước đạt hơn 1 triệu tấn; Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4,0-4,3 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đứng Top 12 doanh nghiệp xuất khẩu, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2024, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong sản xuất tôm; chi phí đầu tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm nay.
Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua. Đồng thời, đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu trong công tác tổ chức và lãnh đạo có những chia sẻ gắn liền với thực tế phát triển tôm nước lợ của tỉnh; các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã nêu bật lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm.
Thứ trưởng đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương cần chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Cùng đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, Logistic, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản…
Theo Thứ trưởng: Với sản lượng phấn đấu là 1,12 triệu tấn thì chúng ta hy vọng là sẽ có một sản lượng tăng lên để xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và đặc biệt là sẽ tập trung vào thị trường Hà Lan để giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng của chúng ta cao hơn. Năm nay toàn ngành thủy sản phấn đấu 10,5 tỷ USD. Tôi tin tưởng với cách tổ chức sản xuất, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng, chúng ta sẽ có kết quả là về đích được cái mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Minh Anh(t/h)