Chỉ thị nêu rõ, sau hai năm triển khai thực hiện, các bộ, ngành và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, dự án cấp bách; từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn lực…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm do nhiều hạn chế, thách thức như các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương; quy định về điều phối, liên kết hợp tác nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa hiệu quả...

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương trong vùng theo chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững ĐBSCL; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế tài chính thu hút nguồn lực cho vùng ĐBSCL. Các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương.

Chỉ thị cũng nêu rõ, Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững ĐBSCL, tìm kiếm các cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài đầu tư cho ĐBSCL; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và giao vốn đầu tư công cho các công trình, dự án đầu tư trọng điểm, có quy mô vùng, liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững toàn vùng; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy tập trung, chuyển đổi đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; tạo nguồn lực từ đất đai để thu hút, phát triển các dự án có tính chất động lực, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững ĐBSCL, hoàn thành, trình Chính phủ, Quốc hội trong quý I năm 2020.

Bộ Tài chính bố trí kịp thời kinh phí chi thường xuyên cho các hoạt động triển khai chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế để điều tiết, chia sẻ lợi ích và phân bổ nguồn thu từ các dự án liên kết vùng, đa mục tiêu.

UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ưu tiên huy động, bố trí nguồn lực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động chuẩn bị hạ tầng cho các dự án sản xuất hiện đại, quy mô lớn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đánh giá nhu cầu, xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các xu hướng dịch chuyển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

PV