Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, cụ thể:

Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch CCHC năm 2023, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Chủ động rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) và các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, đã thực thi đơn giản hóa 33/36 TTHC, 25/127 QCVN, 1/4 yêu cầu điều kiện; đã thực thi và đề xuất thực thi được 28/49 phương án phân cấp giải quyết TTHC. Năm 2023 đã công bố, công khai đầy đủ 76 TTHC. Lũy kế đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ là 349 TTHC (gồm: 218 cấp Bộ, 100 cấp tỉnh, 16 cấp huyện, 11 cấp xã, 4 cơ quan khác) đã được rà soát và công khai đầy đủ, chính xác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, Chính phủ điện tử trong lĩnh vực Nông nghiệp. Có 100% văn bản đi, đến được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng (trừ các văn bản thuộc diện Mật); triển khai các hình thức họp trực tuyến (CPNET của Chính phủ, Zoom Meetting Cloud...), phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của Bộ; khai trương không gian đọc số Thư viện Khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và PTNT; thường xuyên cập nhật và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai... với nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt trong năm đã xây dựng và triển khai Mạng Nhà Nông tại một số tỉnh ĐBSCL để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính, theo dõi thị trường, diễn biến thiên tai, sâu bệnh và liên kết tiêu thụ sản phẩm; triển khai 2 mô hình trang trại thông minh đối với hàng rau quả tại Lâm Đồng và thịt lợn tại Ninh Bình; Phối hợp với một số tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre xây dựng hệ sinh thái thu thập và quản lý dữ liệu sản xuất nông nghiệp cho tỉnh, hướng tới mở rộng cho toàn vùng ĐBSCL và trên cả nước.

Năm 2024, Bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phối hợp sửa đổi chính sách đất đai, đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, đảm bảo đúng pháp luật và hài hòa lợi ích lâu dài giữa doanh nghiệp, người nông dân, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các luật chuyên ngành, các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, nhất là Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 4 quy hoạch ngành quốc gia và lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác quản lý ngành. Trình Chính Chính phủ ban hành 3 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 8 Thông tư. Chuẩn bị hồ sơ lập đề nghị xây dựng 4 dự án luật sửa đổi, bổ sung gồm: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Lâm nghiệp, Luật Trồng trọt, Luật Thủy lợi.

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Hội, Hiệp hội ngành hàng tham gia xây dựng cơ chế chính sách và tháo gỡ khó khăn trong phát triển các chuỗi liên kết ngành hàng nông sản, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020), Kế hoạch chuyển đổi số ngành NN và PTNT giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022) gắn với CCHC theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021. Xây dựng kinh tế số trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, chuỗi giá trị ngành hàng; dữ liệu số tạo giá trị và động lực mới cho tăng trưởng; tập trung xây dựng dự án "xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn"; chuyển đổi số đáp ứng tốt yêu cầu công tác quản lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC; hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, đẩy nhanh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường công tác thông tin, thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành...

Minh Anh