Từ rong sụn Ninh Thuận đến dừa Bến Tre
Mất khá nhiều thời gian, tôi mới được sắp xếp một cuộc gặp với lãnh đạo Công ty TNHH Long Hải. Bởi lẽ, giành được 30 phút quý giá từ người luôn chạy đua với thời gian ấy không đơn giản. Nhưng tôi không tiếc khoảng thời gian chờ đợi, vì cuộc gặp đã giúp chúng tôi có được nhiều thông tin và một câu chuyện dài liên quan đến nỗ lực của một doanh nghiệp (DN) đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia, bằng cái tâm, cái tầm đã lo chung với nỗi lo giải bài toán tiêu thụ nông sản và an sinh xã hội ở nhiều vùng khó khăn của đất nước.
Khác với vẻ mặt nghiêm nghị, ông Nguyễn Văn Thành - Phó giám đốc Công ty TNHH Long Hải - khá cởi mở chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Có tới 3 chủ đề quan trọng, nhưng câu chuyện được bắt đầu từ cây rong sụn Ninh Thuận.
Ngược dòng thời gian về nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Thành cho hay, người dân Ninh Thuận sống dọc bờ biển Nam Trung bộ bám biển để sống. Không có tiền đóng thuyền để đánh bắt xa bờ, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng rong sụn, phơi khô rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Dù rong sụn của Việt Nam có chất lượng rất tốt, nhưng do chiết xuất kém nên thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Long Hải được người tiêu dùng ưa chuộng
Trước tình hình đó, những năm 2012 - 2013, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các sở, ngành đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Long Hải đề nghị đầu tư vào lĩnh vực này, cùng cam kết sẽ dành nhiều ưu đãi nếu hỗ trợ tiêu thụ rong sụn, tạo việc làm ổn định cho người nghèo khu vực ven biển Ninh Thuận. Xác định hoạt động này sẽ mang lại lợi ích lớn cho không chỉ DN, Công ty TNHH Long Hải đã quyết định đầu tư nhà máy ở một trong những huyện nghèo nhất của Ninh Thuận để giúp thu mua rong sụn cho bà con.
Từ khi đi vào sản xuất, đến nay, nhà máy sản xuất bột rong sụn của Công ty TNHH Long Hải tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã góp phần giúp 30.000 người dân trồng rong sụn tại 4 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định ổn định cuộc sống, thu nhập, ngày một tốt hơn. Giá rong biển không còn lên xuống thất thường, mà ổn định và tăng 1.000 đồng/kg so với trước đó.
"Việc xây dựng nhà máy chế biến rong sụn ở Ninh Thuận đã đạt được nhiều mục đích, vừa ổn định đời sống người dân, vừa đóng góp thuế cho nhà nước. Với DN, không những đảm bảo chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu mà giá thành sản xuất cũng giảm đi so với nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc" - ông Nguyễn Văn Thành cho hay.
Trước khi thành công với rong sụn tại Ninh Thuận, Công ty TNHH Long Hải đã thành công với trái dừa xiêm Bến Tre. Ông Thành đã say sưa kể với chúng tôi về cây dừa xiêm - loại cây có nhiều lợi ích vì tất cả các bộ phận như xơ dừa, lá dừa, sọ dừa, cùi dừa… đều có thể sản xuất ra các sản phẩm mang giá trị cao. Nhưng riêng nước dừa, nếu không uống hết thì không thể bảo quản được lâu, buộc phải đổ bỏ. Cách đây nhiều năm, nhiều người dân Bến Tre tiêu thụ không hết nước dừa, đổ xuống sông, gây mùi hôi thối. Giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh Bến Tre đã kết hợp với Trường Đại học Bách Khoa đưa công nghệ Enzym vào sản xuất nước dừa thành thạch dừa. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ chỉ biết làm thạch dừa, trộn đường vào rồi bán trực tiếp cho người dân, tốc độ tiêu thụ chưa bằng 1/10 lượng làm ra. Nước dừa nhiều khi vẫn đổ bỏ, gây ô nhiễm môi trường.
"Sau đó, có sự kết nối và đặt vấn đề để công ty nghiên cứu, hỗ trợ người dân Bến Tre tiêu thụ thạch dừa. Lúc đó, tôi trăn trở, suy nghĩ rất nhiều vì thạch dừa và thạch rau câu Long Hải là sản phẩm cạnh tranh nhau. Làm sao hỗ trợ người tiêu thụ được mà không ảnh hưởng đến sản phẩm là bài toán khó" - ông Nguyễn Văn Thành bộc bạch.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở, giải pháp đã được tìm ra là kết hợp thạch dừa và thạch rau câu trong 1 sản phẩm. Nhờ đó, không những thạch dừa được tiêu thụ hết, mà thạch rau câu nhân thạch dừa được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong lần sản xuất đầu tiên, 1 tạ nhân thạch dừa đã được tiêu thụ ngay lập tức và cho đến nay, sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng vì chất lượng. Đặc biệt, sau khi được Công ty TNHH Long Hải thu mua, sản phẩm nước dừa của người dân Bến Tre đã tăng giá từ 3.500 đồng/lít lên trên 10.000 đồng/lít.
Kỳ vọng mới với trái vải thiều
Với thành công cùng trái dừa và rong sụn, DN chế biến thực phẩm này đang ấp ủ kỳ vọng mới với trái vải thiều. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, chứng kiến những xe vải đỏ ối chạy dọc đường Hải Dương, mong muốn chia sẻ nỗi lo của người dân trồng vải, công ty đã cam kết với lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiêu thụ vải cho huyện Thanh Hà để làm nhân thạch.
Tuy nhiên, cái khó của công ty hiện nay là thiếu công nghệ bóc vỏ, bỏ hạt, lấy cùi vải. Trái vải thiều cũng chỉ tiêu thụ rộ khoảng 1 tháng với lượng rất cao, lên đến hàng trăm nghìn tấn, nhưng nếu không bảo quản tốt sẽ hỏng. Do đó, công ty mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Hải Dương sẽ hỗ trợ trong việc nghiên cứu công nghệ bảo quản, tách vỏ. Nếu giải quyết được khâu này, đầu ra cho trái vải sẽ rất "sáng".
Tạm biệt Công ty TNHH Long Hải, chúng tôi không khỏi tự hào về những ước mơ của lãnh đạo DN đã được vinh danh Thương hiệu quốc gia này. Trong bối cảnh tiêu thụ nông sản còn là bài toán khó, sự vào cuộc của những DN chế biến chắc chắn sẽ mở ra tương lai ổn định và tươi sáng hơn cho nông sản Việt Nam.
Với những thành tích đạt được, Công ty TNHH Long Hải đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đạt Giải Vàng chất lượng quốc gia 2014; Danh hiệu Thương hiệu quốc gia và Bằng khen của nhiều bộ, ngành.
Theo Báo Công thương