Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cho biết, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đồng thời phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp cụ thể như sau:

Đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao: (i) Rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất; (ii) Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp; (iii) Tạo thuận lợi hóa cho doanh nghiệp trong việc các thủ tục xuất nhập khẩu; (iv) Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Bảo đảm cung cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả thị trường: (i) Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá, không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết; (ii) Theo dõi sát diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp. Chú trọng tuyên truyền về tình hình cung cầu, giá cả để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm
Đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Công Thương, để đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết an toàn, tiết kiệm, các doanh nghiệp bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, cần phải làm một số việc sau đây:

Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và chợ dân sinh mở rộng cửa đón hàng hoá công nghiệp, nông sản thực phẩm nhất là sản phẩm Việt để tạo quỹ hàng hoá hoá cho mình, đồng thời phục vụ chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Chuẩn bị hàng hoá, đảo bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn cung lớn, giá cả ổn định trước và trong Tết. Một số đơn vị có kho dự trữ cần bổ sung thêm đề phòng thiếu hụt cục bộ.

Tổ chức bán hàng thuận tiện, quảng cáo tiếp thị nâng cao văn hoá phục vụ khách hàng, xây dựng thương hiệu cho mình lâu dài.

Các hội chợ Xuân cần tổ chức chu đáo, quản lý đầu vào của các sạp hàng về chất lượng hàng hoá, nâng cao uy tín phục vụ của các hội chợ trong các dịp lễ Tết.

Các lực lượng chức năng như: quản lý trường, y tế, khoa học công nghệ… tổ chức kiểm tra giá bán, thực hiện việc kê khai giá các mặt hàng thiết yếu có tăng giá đột biến và có yếu tố đầu cơ trong dịp Tết, kiểm tra chất lượng hàng hoá trên từng địa bàn được phân công.

Các doanh nghiệp kinh doanh cần phối hợp với các địa phương trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ.

Theo dự báo, trong điều kiện sức mua còn yếu, một bộ phận người lao động cuối năm còn bị giãn việc, nghỉ việc (số lượng hàng chục nghìn người), tiền thưởng có đơn vị còn chậm và không bằng năm trước, chính vì vậy dự báo tăng trưởng bán lẻ trong dịp tết sắp tới khoảng 10-20% so với thời kỳ trước khi có dịch là một thành công của ngành thương mại. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tạo được niềm tin vũng chắc cho người tiêu dùng trong giai đoạn phục vụ đặc biệt này, bởi mất niềm tin là mất tất cả - Chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyến nghị.

Minh Anh