Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản sinh, nhập cõi, nhập đạo ( ngày rằm tháng 4 âm lịch) được chọn làm Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc ( Vesak LHQ).  Năm nay, sự kiện phật giáo quan trọng này được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, Việt Nam, đây lần thứ 2 Việt Nam được vinh dự có cơ hội đăng cai tổ chức Đại lễ.

Đúng 9h sáng ngày 8 tháng 5,  Đại lễ Vesak LHQ 2014  lần thứ 11 với chủ đề “Phật giáo góp phần  thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ của Liên Hợp Quốc” được chính thức khai mạc. Về dự có Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ Chức quốc tế (Thái Lan)- Brahmappundit, Chư Tôn đức giáo phẩm, lãnh, đạo Đảng, Nhà Nước, Nguyên thủ các quốc gia, quan khách và Đại sứ nhiều nước. Phía Việt Nam có sự tham dự của Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ ông Phạm Dũng cùng các chư vị tôn đức giáo chủ, tăng thống trong và ngoài nước. Số Đại biểu chính thức là 4000 đại biểu.

Lễ khai mạc đại lễ Vesak LHQ 2014

Phát biểu tại lễ khai mạc, HT.Thích Thanh Nhiễu - Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014  khẳng định: “ Đây là một vinh dự lớn cho Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới, tổ chức đại lễ Vesak LHQ và hội thảo khoa học quốc tế nhằm truyền bá di sản văn hóa Phật giáo, cũng như những lời dạy cao quý của đức Phật về bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết vì lợi ích của nhân sinh. Tăng Ni và Phật tử trên khắp hành tinh, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam vô cùng hân hoan khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại và an lành này lần thứ hai.”

Thế giới của chúng ta ngày nay đang đối diện với hàng loạt các khủng hoảng và thiên tai không dự đoán được, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ trong bối cảnh này trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Giải quyết nghèo đói, xóa nạn mù chữ, thúc đẩy phát triển, thực thi công bằng xã hội trong một thế giới đầy rẫy mâu thuẫn, xung đột, khủng bố đe dọa và bạo lực dân tộc… đã trở thành nhu cầu bức thiết nhằm nỗ lực và kế hoạch hóa thường xuyên theo hướng bền vững ở cấp quốc tế. Duy trì và phát triển hòa bình lâu dài trong xã hội và đời sống của các cá nhân đã trở nên quan trọng, mà trên thực tế là những thách đố toàn cầu rất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh của những bất hạnh vừa nêu dẫn đến các vấn nạn và khủng hoảng phức tạp trên toàn cầu, Phật giáo với di sản từ bi, độ lượng, bất bạo động có thể đóng góp to lớn cho hòa bình và hòa hợp trong thế giới ngày nay. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc và hội thảo khoa học quốc tế lần này có chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ” làm cho đại lễ Vesak trở nên thích ứng và mang tính thời đại.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Ông Nguyễn Sinh Hùng, hy vọng rằng: “ Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc năm nay sẽ là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau nhìn nhận và đánh giá lại những cố gắng của cộng đồng thế giới, có niềm tin vào triết lý của Đức Phật trong việc xây dựng và phát triển xã hội trong hoà bình, hữu nghị. Qua Đại lễ này, chúng ta cùng nhau tạo nên những nhân duyên mới để thắt chặt thêm sự đoàn kết, gắn bó hữu nghị, cùng nhau kiến tạo xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong hiện thực của thế giới hiện tại, góp phần ngăn chặn sự xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh và đẩy lùi nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui.”

Trong hai ngày tới, ngoài việc lắng nghe thông điệp Vesak từ các vị Tăng thống Phật giáo, đại diện Liên Hợp Quốc, lãnh đạo UNESSCO, các tổng thống, thủ tướng, đại sứ, tất cả chúng ta cùng chia sẽ cách tiếp cận và giải pháp Phật giáo, nhằm hồi đáp lại tám mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Xóa bỏ nghèo khổ, đói kém và chiến tranh; Phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em; Tăng cường bình đẳng giới tính, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Nâng cao sức khỏe cho các bà mẹ; Phòng và chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; Đảm bảo bền vững môi trường; Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục tiêu phát triển. Bảy diễn đàn thể hiện sự hồi ứng của Phật giáo về các mục tiêu trên bao gồm: Hồi ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội; Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường; Đóng góp Phật giáo về lối sống lành mạnh; Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu-mâu thuẫn; Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học; Văn hóa và công nghệ Phật giáo: Các chiến lược nghiên cứu mới; và diễn đàn tiếng Việt: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

Ngoài ra,  nét đặc sắc của Đại lễ  2014  là các nghi lễ tâm linh được tổ chức trang nghiêm, đan xen cùng các chương trình nghị sự. Tất cả chúng ta cùng tham dự và trải nghiệm các hoạt động văn hóa bao gồm triển lãm văn hóa Phật giáo đương đại, các vũ điệu Phật giáo thế giới, hội chợ văn hóa Phật giáo, diễu hành xe hoa, khóa tụng kinh và lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình, đàn lễ dâng cúng mười phương Phật. Với tư tưởng “ Tâm bình quốc gia, thế giới hòa bình” đàn lễ Cầu hòa bình thế giới- quốc thái dân an sẽ được diễn ra trong đêm 9/5 tại sân Điện Thích Ca, chùa Bái Đính. Ban tổ chức đã chuẩn bị phục vụ cơm chay mỗi bữa cho 40.000 bà con phật tử và du khách đến tham dự trong suốt 3 ngày Đại Lễ.

Diễn ra trong không khí hân hoan và trọng thể , buổi lễ khai mạc Đại lễ Vesak  LHQ 2014 kết thúc bởi Nghi lễ tắm Phật diễn ra tại không gian rộng khắp trước thềm Điện Thích Ca. Với hai ý nghĩa Phát thân của đức phật vốn thanh tịnh, mượn tắm rửa là để thanh tịnh thân tâm của chúng sinh gọt rửa tham , sân, si xám hối lỗi lầm do thân khẩu ý sinh ra. Nghi thức chính lễ vừa kết thúc, hết thảy hội chúng thêm một lần vỡ òa trong niềm vui mừng khôn tả khi quý Thầy Thích Hiền Đức thả 2.558 quả bóng bay, phóng sinh  chú 2558 chim bồ cầu vì hòa bình nhân loại.

Huyền Trang