Theo ghi nhận, cửa hàng mỹ phẩm Hinhy Cosmetics quảng cáo “Gian hàng mỹ phẩm chính hãng”. Tuy nhiên "mục sở thị", tại đây đang bày bán nhiều hàng hoá nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định, gây cho khách hàng vè thông tin sản phẩm?
Bày bán hàng hoá không tem nhãn phụ tiếng Việt
Theo tìm hiểu, cửa hàng mỹ phẩm Hinhy Cosmetics có trang facebook "Hinhy Cosmetics" - sở hữu 34.000 lượt thích, 35.000 người theo dõi. Đáng chú ý, trên trang facebook này, Hinhy Cosmetics tự quảng cáo mình là “Gian hàng mỹ phẩm chính hãng”?
Trên trang Instagram mang tên "Hinhy Cosmetics" - cửa hàng này quảng cáo có 3 cơ sở tại 210 Nguyễn Trãi, số 49 ngõ 82 Chùa Láng, 112D5 ngõ 48 Đặng Văn Ngữ (Hà Nội).
Còn trên sàn thương mại điện tử Shopee, cửa hàng này quảng cáo “Chỉ bán hàng Auth – Tẩy chay hàng Fake”!
Thế nhưng, “mục sở thị” trực tiếp tại cửa hàng Hinhy Cosmetics, phóng viên ghi nhận, tại đây bày bán nhiều loại mỹ phẩm nước ngoài, trong đó có một số hàng hóa có tem nhãn phụ tiếng Việt, còn lại khá nhiều mỹ phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Điều này, khiến người tiêu dùng hoang mang về định nghĩa “hàng Auth”, “hàng chính hãng” thực sự có ở Hinhy Cosmetics hay không?
Theo ghi nhận, ngày 9/5/2023, phóng viên trực tiếp có mặt tại cửa hàng Hinhy Cosmetics số 49 ngõ 82 Chùa Láng. Tại đây, khu vực bán mỹ phẩm được chia ra thành các quầy như son, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, tẩy trang, sữa tắm, đồ trang điểm…
Có một số mặt hàng nước ngoài có tem nhãn phụ tiếng Việt. Tuy nhiên, phóng viên thấy khá nhiều mỹ phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt như Clio, MAC Comestic, SVR, Floslek, Dove, ZO Skin Health, Innisfree, Olay...
Một số hình ảnh sản phẩm có nhãn gốc là tiếng nước ngoài, nhưng thiếu tem nhãn phụ tiếng Việt như quy định:
Tiếp đó, phóng viên trực tiếp có mặt tại cửa hàng Hinhy Cosmetics số 210 Nguyễn Trãi và ghi nhận thực trạng tương tự. Tại đây, bày bán nhiều mỹ phẩm nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt như Cosrx, Clio, MAC Comestic, SVR, Organic Shop...
Bên cạnh đó, tại đây bày bán nhiều loại thực phẩm chức năng chăm sóc da, chăm sóc sức khoẻ… cũng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Cụ thể như nước rửa mắt Nhật Eyebon, lăn hỗ trợ khử mùi Kobayashi Nhật Bản, lăn Khử Mùi Armaf - Club de Nuit, thuốc giảm mỡ bụng Onaka Pillbox, viên uống giảm cân 12kg Minami Healthy Foods, Vitamin C của thương hiệu Spring Leaf, viên uống hỗ trợ tăng chiều cao GH Creation EX Nhật Bản...
Trực tiếp cầm sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ Ziaja intima toàn chữ nước ngoài trên tay, phóng viên không khỏi bất ngờ khi loại mặt hàng này có 4 màu sắc khác nhau là cam, hồng, xanh dương nhạt, xanh dương đậm, mà không có bất cứ thông tin tem nhãn phụ tiếng Việt nào. Điều này, gây khó khăn cho người tiêu dùng, không biết về thông tin sản phẩm, công dụng ra sao, đối tượng nào sử dụng, cách sử dụng và bảo quản…
Hơn nữa, những thông tin nước ngoài trên sản phẩm không phải là tiếng Anh, mà là tiếng Ba Lan, do đó rất khó để có thể tự tìm hiểu, buộc lòng phóng viên phải hỏi nhân viên bán hàng mới biết được màu sắc nào dùng cho đối tượng nào.
Dư luận đặt câu hỏi:
Vậy tại sao, có những sản phẩm có tem nhãn phụ đầy đủ, nhưng lại có những sản phẩm không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định?
Phải chăng, cách thức nhập khẩu hàng hoá có sự khác nhau dẫn đến sự khác nhau này?
Quy định pháp luật đã rõ
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá, bao gồm 2 loại là nhãn gốc và nhãn phụ.
Nhãn gốc: Là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3 - Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc, được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm, nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, ở đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3 - Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc, nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.
Quy định của pháp luật là vậy, nhưng thực tế, tại hệ thống cửa hàng Hinhy Cosmetics đã và đang bày bán nhiều hàng hoá là mỹ phẩm nước ngoài vi phạm quy định về tem nhãn; khiến người tiêu dùng khó khăn khi tìm hiểu về sản phẩm, không rõ thành phần sản phẩm, công dụng ra sao, cách sử dụng như thế nào… Đặc biệt, khi đây lại là những sản phẩm sử dụng trực tiếp lên da của phái đẹp nên rất cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và thông tin sản phẩm để sử dụng cho đúng.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cũng như các cơ quan liên quan xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của hệ thống cửa hàng mỹ phẩm Hinhy Cosmetics nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Trúc Mai – Hồng Nhung