TYacs giả xây dựng cột mốcTác giả xây dựng cột mốc và PV TH&CL tại cột mốc Trường Sa

Đó không chỉ khẳng định chủ quyền, thể hiện niềm tự hào và tình yêu với biển đảo, mà người lính năm xưa muốn làm vơi đi nỗi nhớ chiến trường và những người đồng đội từng vào sinh ra tử…

Ký ức thiêng liêng và đẹp đẽ nhất của mỗi người lính đó là chiến trường, nơi có những người đồng chí, đồng đội mà “đêm rét chung chăn”, “bát cơm sẻ nửa”, dù cho “Tôi với anh đôi người xa lạ - tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”… Để rồi, khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở về, họ luôn sống cùng miền ký ức hào hùng ấy, nó như một phần máu thịt luôn chảy trên thân thể người lính.

Một người lính từng sống và chiến đấu tại đảo Trường Sa Đông, thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất, đã in sâu vào tâm khảm.

Xuất phát từ tình cảm dành cho đồng chí, đồng đội và trên hết là niềm tự hào, tình yêu đối với biển đảo quê hương - đã không ngừng thôi thúc anh quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa (mô hình phỏng lại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa) ngay trong khuôn viên nhà mình để nhớ về một thời sống và chiến đấu trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Tháng 2/1984, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Trần Văn Xuất (SN 1964, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) lên đường nhập ngũ, được chuyển về Cam Ranh huấn luyện. Sau đó, anh được phân công ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, thuộc quần đảo Trường Sa.

Sinh ra và lớn lên vùng ven biển, trên mảnh đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt nên anh đã mau chóng thích nghi với cuộc sống gian khó trên đảo. Khi ra đây, anh được cấp trên tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và giữ chức Trung đội trưởng.

Thời gian lặng lẽ trôi, tháng 5/1987, anh xuất ngũ trở về quê hương. Về với đời thường, gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhưng với ý chí sắt đá, lòng quyết tâm của một người lính từng trải qua bao gian nan, khắc nghiệt lập tức anh bắt tay vào lao động sản xuất để mưu sinh, phụ giúp gia đình.

Quê anh, vốn nổi danh là làng đá mỹ nghệ Non Nước và anh bắt đầu công việc khai thác đá thô… Từ một cơ sở chế tác đá thủ công mỹ nghệ quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, đến nay anh đã phát triển cơ sở trở thành một trong những xưởng sản xuất đá mỹ nghệ xuất khẩu lớn nhất nhì trong vùng.

Để xây dựng được tên tuổi thương hiệu của mình, gần như anh không có được thời gian  nghỉ ngơi. Bộn bề với công việc, nhưng tình cảm người lính năm xưa, anh luôn dành cho đồng chí, đồng đội.

Nhớ lại ký ức chiến trường, anh Xuất trải lòng:“Một lần, tôi ra thăm vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), khi nhìn ra biển thì những ký ức năm xưa lại ùa về. Khi đó, tôi đã tự dằn lòng rằng phải đi tìm bằng được các anh em đồng đội. Đơn vị tôi trên đảo hồi đó có 31 người, nhưng có 1 người mất đi do bị bệnh nặng.

Xuất ngũ trở về, vì phải lo mưu sinh cuộc sống nên chúng tôi không có điều kiện để liên lạc với nhau. Song, chính những câu chuyện, những tâm sự mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau lúc trước, khi còn ở đảo, là đầu mối giúp tôi tìm lại địa chỉ của đồng đội. Sau hơn 5 năm (2005 - 2010) khăn gói lặn lội đi khắp Bắc – Trung – Nam, tôi tìm ra được 25 người đồng đội”…

Anh Xuất bộc bạch về ý tưởng xây dựng cột mốc Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc:

“… Mỗi sáng tinh sương hay những buổi chiều khi mặt trời vừa tắt, tôi cùng đồng đội đi tuần tra, canh gác trên đảo. Hình ảnh tấm bia đá khắc rõ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn hiển hiện trước mắt tôi. Chính vì lẽ đó, tôi đã quyết định xây dựng cộc mốc này.

Từ khi xây dựng cột mốc Trường Sa tại khuôn viên vườn nhà, lòng tôi đỡ vơi đi một phần nỗi nhớ về Trường Sa. Những tâm tư ấy, tôi tin chắc rất nhiều đồng đội của mình cũng có chung suy nghĩ - đồng cảm với mình”.

tổ chức xác nhậnTổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục

Đúng với dự đoán của anh, ngay khi hoàn thành, cột mốc chủ quyền Trường Sa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, cũng như du khách khắp mọi vùng, miền cả nước. Và cái “duyên” mà anh Trần Văn Xuất chờ đợi bao lâu, nay cũng đã đến:

Thông qua những câu chuyện thi vị bên cột mốc Trường Sa thiêng liêng, án ngữ ngay trong lòng thành phố biển, du lịch, đáng sống như Đà Nẵng, thì những người đồng đội còn lại đã liên lạc được với anh.

Hiện nay, cột mốc chủ quyền Trường Sa thiêng liêng, tại khuôn viên nhà anh Trần Văn Xuất, đã trở thành nơi giáo dục trực quan sinh động về tình yêu biển đảo quê hương, về truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

“Thời gian qua, đã có rất nhiều đoàn tham quan tới đây là học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế… Vì vậy, tôi thường tranh thủ thời gian để giới thiệu cho các em hiểu thêm về quần đảo Trường Sa thân yêu”, anh Xuất chia sẻ.

Xây dựng cột mộc Trường Sa trong lòng thành phố, ngoài mục đích giữ lại ký ức một thời quân ngũ sánh cùng đồng đội, phía sau còn cả một ý nghĩa sâu xa - làm giàu thêm bảo tàng chiến tích, khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước của con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn là những lời nhắn nhủ yêu thương của những người trong đất liền luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Cột mộc như một lời thề thiêng liêng để Trường Sa mãi được ôm trong lòng những người con đất Việt với tinh thần yêu nước không gì có thể khuất phục được.

Tháng 6/2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận anh Trần Văn Xuất về “mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương trên đất liền lớn nhất”.

Tạm biệt anh, trong lòng tôi đọng lại bao suy nghĩ. Tôi bỗng nhớ lại câu nói của người xưa: “Mình sống không làm được điều phi thường, thì hãy làm điều bình thường, chứ đừng làm điều tầm thường…”.

Hữu Văn