Gần đây, Tòa soạn Thương hiệu & Công luận nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc trên một số diễn đàn mạng có giới thiệu về sản phẩm bảo vệ sức khỏe Tiêu ban thủy nhưng quảng cáo như một loại thuốc có tác dụng điều trị bệnh.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Tiêu ban thủy của Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen, địa chỉ: KCN Mỹ Xá - xã Mỹ Xá - TP. Nam Định tỉnh Nam Định sản xuất và sản phẩm được công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen địa chỉ số 43 Nguyễn Đức Thuận, p.Thống Nhất, tp Nam Định, tỉnh Nam Định phân phối.

Nhưng lại được Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Hoa Sen địa chỉ số 18, đường Trung Yên 9A, Lô 10 B, khu đô thị Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội giới thiệu về sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Tiêu ban thủy trên website //tieubanthuy.vn/ với đủ các loại công năng như một loại thuốc có khả “điều trị mẩn ngứa, dị ứng, sẩn mề đay”. Với dòng quảng cáo “Siro Tiêu Ban Thủy có mặt trên thị trường 10 năm và đã khẳng định được chất lượng trong dòng Đông Dược trị dị ứng . Từ những tư vấn quảng cáo đó, không ít người mắc bệnh đã tin dùng sản phẩm như thuốc chữa bệnh mà không hề biết đó chỉ là TPCN bảo vệ sức khỏe.

Công ty TNHH dược phẩm Hoa Sen: Tiếp tục vi phạm quảng cáo TPCN? - Hình 1

DN cố tình quảng cáo sản phẩm với dòng chữ: Tiêu ban thủy Baby với liều dùng ít hơn mà thời gian điều trị cũng được rút ngắn (Ảnh chụp màn hình)

Theo quy định của Pháp luật, nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPCN có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chữa khỏi”, “điều trị”, “thoát khỏi”… để nói về tác dụng của TPCN. Với cách quảng cáo lập lờ của đơn vị sản xuất, phân phối đã khiến cho NTD nghĩ rằng đó là thuốc dùng để điều trị bệnh… gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Công ty TNHH dược phẩm Hoa Sen: Tiếp tục vi phạm quảng cáo TPCN? - Hình 2

Trên website cũng chia sẻ nhiều tin nhắn cảm ơn của NTD nói về sản phẩm (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài sử dụng những ngôn từ như điều trị, trị khiến người tiêu dùng (NTD) hiểu nhầm đây là một loại thuốc chữa bệnh, sản phẩm Tiêu ban thủy còn tiếp tục PR sản phẩm theo mô típ quen thuộc để lấy niềm tin từ khác hàng.

Cụ thể, tại phần bác sĩ tư vấn trên website //tieubanthuy.vn có bài quảng cáo có đưa ra câu hỏi: Thưa bác sỹ Nguyễn Thành, những người mắc các bệnh như cao huyết áp, dạ dày,… hay phụ nữ đang cho con bú thì có sử dụng được siro Tiêu Ban Thủy  không?  

Tiếp đó là phần được cho là của Bác sỹ chuyên khoa II: Nguyễn Thành - Nguyên trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viên Da Liễu Trung Ương nói về sản phẩm tiêu ban thủy với nội dung “Như các bạn biết thì Tiêu Ban Thủy là một sản phẩm thảo dược nên có thể sử dụng với bất kì đối tượng nào trừ phụ nữ có thai. Bởi chưa có người nào dám sử dụng bất cứ loại thuốc nào đối với nhóm đối tượng này, đây là luật cấm của ngành y. Đối với các phụ nữ đang cho con bú vẫn sử dụng được sản phẩm này bởi chỉ cần trẻ trên 3 tháng tuổi có thể sử dụng sản phẩm nên sẽ không gây ảnh hưởng gì.”

Công ty TNHH dược phẩm Hoa Sen: Tiếp tục vi phạm quảng cáo TPCN? - Hình 3

Website sử dụng hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thành - Nguyên trưởng khoa khám bệnh - Bệnh viên Da Liễu Trung Ương để PR cho sản phẩm Tiêu ban thủy (Ảnh chụp màn hình)

Thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh TPCN nhưng lại cố tình lách luật, quảng cáo các sản phẩm của mình theo mô típ chung như thường sử dụng hình ảnh bác sĩ, những chuyên gia đầu ngành liên quan để nói về bệnh và sản phẩm như là thuốc chữa bệnh để “kích cầu” tiêu dùng, cũng như là chiếm lòng tin của khách hàng để tăng doanh thu cho mình mà lại không nghĩ đến những hệ lụy về sau.

Theo quy định trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tại Chương VIII, khoản 2 trong điều 27 có quy định rõ "Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm."

Đặc biệt, trong phần tư vấn dùng phía DN còn đưa ra câu trả lời “Siro Tiêu Ban Thủy được phát triển từ bài thuốc dân gian như Kim ngân hoa, Ké đầu ngựa, Lá khế, Kinh giới, Đơn tía… giúp giảm ngứa hiệu quả, hỗ trợ tốt trong điều trị các bệnh dị ứng, mề đay do cơ địa dị ứng hoặc do các tác nhân như thời tiết, thức ăn, khói bụi, mỹ phẩm, hóa chất.Công ty TNHH dược phẩm Hoa Sen: Tiếp tục vi phạm quảng cáo TPCN? - Hình 4

Để thuốc có hiệu quả tốt nhất chị nên uống ngày 2 lần, vào sáng, trưa hoặc tối, chị lưu ý là uống cách bữa ăn 30 phút để thuốc được hấp thu được tốt nhất.”

Phải chăng với câu trả lời này, vị dược sỹ trên càng khẳng định chắc nịch sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tiêu ban thủy chính là thuốc chữa bệnh(!?). 

Công ty TNHH dược phẩm Hoa Sen: Tiếp tục vi phạm quảng cáo TPCN? - Hình 5

Một số trang mạng xã hội cũng quảng cáo về sản phẩm TPCN Tiêu ban thủy có khả năng chữa dị ứng, mẩn ngứa (Ảnh chụp màn hình)

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2016 Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen, địa chỉ: Số 43 Nguyễn Đức Thuận, phường Thống Nhất, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thực phẩm chức năng. Cụ thể, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Tiêu ban Thủy New trên báo hình có nội dung không phù hợp với nội dung được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. Mức tiền phạt: 25.000.000 đồng.

Với dòng sản phẩm Tiêu ban thủy trên phía công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen đã từng bị phạt vì hành vi vi phạm quảng cáo và cho đến bây giờ DN vẫn cố tình mắc phải lỗi trên. Liệu có phải mức xử lý phạt quá ít hay DN cố tình coi thường pháp luật?

Để rộng đường dư luận, PV báo Thương hiệu & Công luận đã liên hệ làm việc với Cục ATTP để có thêm thông tin về sản phẩm này.

 

Người tiêu dùng cần phân biệt rõ ràng giữ thuốc và TPCN.

Điều này, Bộ Y tế đã có ba định nghĩa rõ ràng:

Thuốc: là chất hoặc hỗn hợp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, văcxin, sinh phẩm y tế. Thuốc tây (tân dược) hay thuốc nam (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc - theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng.

Mỹ phẩm: một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Thực phẩm chức năng: là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người. Thực phẩm chức năng có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, hỗ trợ sức khỏe người sử dụng. Cũng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ và hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc, không được phép kê đơn cho người bệnh.

Hoàng An