Những năm qua, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế, công tác này vẫn còn quá nhiều bất cập, gây thiệt hại lớn về kinh tế, tạo sự hoang mang trong xã hội.
Ý thức phòng cháy chữa cháy chưa cao
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), tính đến hết tháng 9/2014, cả nước đã xảy ra 1.552 vụ cháy, làm 55 người chết, 119 người bị thương, thiệt hại về tài sản trị giá 921,807 tỷ đồng. Đây thực sự là con số gây lo ngại lớn cho xã hội.
Trong năm 2014, nhiều vụ cháy với quy mô lớn, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế như cháy kho hàng Công ty CP Len Hà Đông (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), cháy Công ty CP Giấy Thành Đạt (Bắc Ninh), cháy phân xưởng nhựa của Công ty Nhựa điện lạnh Hòa Phát (Hưng Yên)… làm thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các vụ cháy tại quán Karaoke Nhật Thực (Hà Nội), cháy tàu chở dầu trên sông Đồng Nai, cháy nhà dân ở Quận 10 (TP. HCM)… gây những thiệt hại lớn về con người.
Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người trong thời gian qua là do ý thức của người dân trong công tác phòng cháy còn nhiều hạn chế. Sự thiếu hiểu biết trong việc sử dụng lửa, thiết bị tiêu thụ điện, hay sự tùy tiện sắp xếp hàng hóa lấn chiếm lối thoát hiểm… khi xảy ra sự cố, việc thoát hiểm là hết sức khó khăn.
Nhiều DN có kho bãi tận dụng triệt để mặt bằng cho việc sản xuất, kinh doanh, bất chấp những quy định về an toàn PCCC là rất phổ biến. Những cơ sở này thường cho đơn vị khác thuê để làm nơi sản xuất, tích trữ hàng hóa... với khối lượng lớn, vượt quá so với thiết kế, không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định. Thậm chí, nhiều đơn vị tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình, nhưng không báo cho cơ quan quản lý làm gia tăng nguy cơ và xảy ra các vụ cháy thiêu hủy khối lượng lớn hàng hóa, tài sản...
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cho biết: "Tình hình cháy vẫn diễn biến rất phức tạp do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa chưa quan tâm đầu tư đúng mức và quan tâm chặt chẽ các quy định về công tác an toàn PCCC; khả năng phát hiện và xử lý tình huống cháy ban đầu của lực lượng PCCC tại chỗ và của người dân còn rất yếu, đặc biệt nguy cơ cháy trong các khu công nghiệp, chợ, nhà cao tầng... đang tiềm ẩn ở mức độ cao".
Cháy… mới phát hiện bất cập
Khi xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu về PCCC ngày càng lớn và đặt ra nhiều vấn đề: cháy hóa chất; cháy các công trình, xăng, dầu, khí đốt; cháy nhà cao tầng, các chợ lớn, trung tâm thương mại; cháy các công trình ngầm; cháy các nhà máy điện; cháy ô tô, tàu thủy… Trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn thiếu về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đảm bảo yêu cầu.
Cả nước hiện mới có 195 đội cảnh sát PCCC, trong đó có 42/63 tỉnh, thành phố chỉ có 1 - 2 đội cảnh sát PCCC. Theo quy định, một đội cảnh sát PCCC chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả trong phạm vi bán kính 5 km, nhưng trên thực tế, nhiều đội phải đảm nhiệm chữa cháy ở cách xa hàng chục, thậm chí hàng trăm km nên gặp nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa.
Sau hàng loạt vụ cháy lớn đã lộ ra nhiều bất cập: họng nước chữa cháy thiếu, nhiều ngõ lớn, khu dân cư bị các cọc bê tông chắn đường nên khi cháy xảy ra xe cứu hỏa không thể vào được… Tại các thành phố lớn, nhiều ngõ ngách quá nhỏ khiến xe cứu hỏa không thể đi vào được. Hầu hết các vụ cháy đều dập được nhưng tài sản đã biến thành tro.
Đại tá Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) nhận xét: "Việc quy hoạch đô thị không gắn với thẩm duyệt an toàn PCCC đã gây ra nhiều trở ngại cho công tác chữa cháy. Do đường cơ động quá nhỏ, hoặc với suy nghĩ giản đơn để bảo vệ đường, ở một số khu dân cư, người dân còn tự ý đổ những trụ bê tông không cho ô tô vào… nên khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp không thể tiếp cận được hiện trường để triển khai phương tiện chữa cháy. Hệ thống cấp nước chữa cháy tại các đô thị còn thiếu và nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu"
Thiên Đức – Duy Thế