Quang cảnh hội nghị
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng BCĐ 389/TP. Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ (tăng 1.033 vụ so cùng kỳ năm 2016); khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.584 vụ, hàng giả và vi phạm SHTT là 892 vụ, gian lận thương mại (GLTM) 9.686 vụ; thu nộp NSNN 1.569, 577 triệu đồng.
Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, 6 tháng đầu năm 2017 tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Hàng lậu, hàng giả sản xuất từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc vẫn được chuyển vào Việt Nam. Trong đó, hàng nhập lậu là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản nhập vào Việt Nam tương đối lớn. Chỉ trong vòng 4-5 tháng đầu năm, lượng máy móc này nhập khẩu vào Việt Nam bị phát hiện có trị giá hàng trăm triệu USD.
Các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở văn bản về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ để nâng đời cho máy móc hết hạn sử dụng vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công an thành phố còn phát hiện có tình trạng cán bộ chống buôn lậu tiếp tay cho hoạt động này. Máy móc đã qua sử dụng vào Việt Nam lập tức bị xóa nhãn mác cũ, thay thế nhãn mới để đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam.
Tình trạng nhập khí N2O để sản xuất bóng cười cũng diễn biến phức tạp do thiếu chế tài xử lý hành vi buôn bán, sử dụng khí N2O sai mục đích.
Khí này rất nguy hại. Mỗi quán cà phê 1 buổi tối bán được 1 kg khí này có thể chiết xuất được từ 50-100 quả bóng cười, thu lãi 6-7 triệu đồng, trong khi bỏ vốn chỉ 300-500 nghìn đồng, Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục hải quan TP. Hà Nội Vũ Văn Hồng cho biết, tình trạng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác, tê tê qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày càng tinh vi.
Trước đây, các mặt hàng này chủ yếu được vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam. Nhưng gần đây, các đối tượng buôn lậu đã đánh lạc hướng lực lượng chức năng, chuyển từ các nước ít bị nghi ngờ như từ châu Âu về Hà Nội.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, rất cần sự phối hợp cung cấp thông tin giữa các lực lượng.
Mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng lực lượng nào cũng nói có bí mật riêng. Không chia sẻ thông tin và tin cậy lẫn nhau sẽ rất khó trong đấu tranh.
Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.
Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp do hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước về giá cả, mẫu mã, các đối tượng hoạt động trên các lĩnh vực buôn lậu, GLTM thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở ngoại tỉnh đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh lý lịch để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Một số đối tượng manh động, khi bị bắt giữ thường có hành vi chống đối hoặc chống trả quyết liệt gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng chức năng. Các đối tượng thường xuyên hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân công quản lý theo địa bàn, việc phối hợp còn hạn chế nên có trường hợp bị lộ thông tin.
Do đó, cần sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả đạt hiệu quả cao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ 389/TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2017, đặc biệt là những dịp Tết Nguyên đán 2018, các lực lượng chức năng BCĐ 389 thành phố cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, thuốc lá, thức ăn đường phố… theo dõi sát diễn biến thị trường, hàng hoá giá cả, nắm chắc cung cầu hàng hoá đối với các mặt hàng thiết yếu; điều tra cơ bản lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp đồng bộ trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu; chủ động cung cấp thông tin, đề xuất kiểm tra theo lĩnh vực, ngành mình quản lý và cơ quan chủ trì, có sự tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng khác.
Cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phát triển. Sẵn sàng điều chuyển, kiến nghị thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu để xảy gia tình trạng buôn lậu, GLTM và hàng giả kéo dài, nghiêm trọng hay có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, hàng giả.
Bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, an sinh xã hội, quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Nguyễn Kiên