Thông tin từ đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho thấy, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến trái cây nhập ngoại và hầu hết trái cây được nhập khẩu vào các nước Bắc Âu. Các loại trái cây nhiệt đới đang ngày càng được ưa chuộng tại EU là lựu, chanh dây, cây lý, vải thanh long, chôm chôm và khế.
Trong lĩnh vực bán lẻ, trái cây tươi luôn đóng một vai trò quan trọng, nhiều nhà bán lẻ sử dụng các giống cây nhiệt đới để tạo sự khác biệt và làm cho chủng loại trong các gian hàng trở nên hấp dẫn hơn.
Những năm qua, giá trị nhập khẩu các loại hoa quả nhiệt đới ngày càng tăng đã cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của người tiêu dùng châu Âu (EU). Giá trị nhập khẩu của các mặt hàng vải tươi, chanh dây, khế và thanh long (mã HS 08109020) tăng 40% trong 5 năm qua lên 142 triệu euro vào năm 2019. Các loại trái cây nhiệt đới khác (mã HS 08109075) có mức tăng trưởng 21% và đạt tổng giá trị 202 triệu euro vào năm 2019.
Theo khuyến cáo của cơ quan thương vụ, đối với các nhà xuất khẩu trái cây nhiệt đới, điều quan trọng là phải có sản phẩm hấp dẫn và có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng cao. Trong đó, hương vị là yếu tố quan trọng để trái cây nhiệt đới xuất khẩu thành công cũng như việc quan tâm đến cách người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm là điều rất quan trọng.
Để vào được thị trường này, điều kiện tiên quyết đặt ra đó là phải tuân thủ các yêu cầu chung đối với trái cây tươi và rau quả. Đó là tránh dư lượng thuốc trừ sâu và chất gây ô nhiễm. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu trái cây vào EU phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Trong đó, chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm cùng với bao bì cải tiến và sản phẩm được vận chuyển bằng đường hàng không để tăng thời hạn sử dụng tốt nhất sẽ luôn là lợi thế.
Các nhà xuất khẩu cần tìm hiểu các mức dư lượng tối đa (MRL) có liên quan đến sản phẩm nhiệt đới bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu MRL của EU. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất cần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất, vì đây là một chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp bao gồm thực hành trồng trọt và quản lý hóa chất.
Cùng với đó, cần duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao, cũng như chú ý đến việc bảo quản sản phẩm an toàn, nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển và xếp dỡ để đảm bảo trái cây có tình trạng tốt tại thị trường xuất khẩu.
Hà Trần