Nhập nhằng những bộ hồ sơ...

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hồ sơ mời thầu mở bán từ ngày 5/4/2018, nhưng hơn 10 ngày sau (16/4), Công ty CP Phát triển Logistics Quang Minh, trụ tại 282, đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), mới mua được một bộ hồ sơ mời thầu với giá 2 triệu đồng. Trong khi đó, phải đến sáng 23/4 (chỉ còn 2 ngày nữa là mở thầu), Công ty TNHH Vương Phát mới mua được hồ sơ (?!).

Điều đáng nói ở đây là có đến 2 bộ hồ sơ, bên ngoài thì giống nhau, nhưng bên trong, một số trang và hạng mục lại khác nhau?

Có hay không Gói thầu số 13 thuộc DA “Chỉnh trang lại sông Tam Bạc” bị thông thầu? - Hình 1

Có hay không Gói thầu số 13 thuộc DA “Chỉnh trang lại sông Tam Bạc” bị thông thầu? - Hình 2

Theo thông tin mời thầu trên báo Đấu Thầu số 60, ngày 2/4/2018, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng (BQLDA, quận Hồng Bàng) thực hiện mời thầu Gói thầu số 13 nạo vét lòng sông, thời gian bán hồ sơ thầu từ ngày 5 đến 25/4/2018. Dự án này có giá trị đầu tư hơn 1.454 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quá trình nghiên cứu hồ sơ, các doanh nghiệp đã phát hiện nội dung mời thầu trong các bộ hồ sơ khác nhau. Điều đó, thể hiện rất rõ bộ hồ sơ thầu của Công ty CP Phát trển Logistic Quang Minh khó hơn rất nhiều so với Công ty TNHH Vương Phát. Cụ thể, tại mục “Thiết bị thi công chủ yếu” (trang 40-41), hồ sơ của Công ty CP Phát trển Logistic Quang Minh thể hiện yêu cầu có “tàu hút phun, hút bụng tự hành có công suất lớn hơn hoặc bằng 3.958 CV”, trong đó ít nhất một thiết bị hút phun thuộc sở hữu nhà thầu. 

Còn hồ sơ của Công ty TNHH Vương Phát, chỉ yêu cầu thiết bị “tàu hút phun, hút bụng tự hành lớn hơn hoặc bằng 2.200 CV”(?).

Hay như tại phần “Mục tiêu đánh giá về kỹ thuật” (trang 45), hồ sơ của Công ty CP Phát trển Logistic Quang Minh thể hiện bãi đổ thải có thang 3 điểm, còn hồ sơ của Công ty TNHH Vương Phát thể hiện bãi đổ thải lại có thang 8 điểm?

Tại phần “Bảng tổng hợp giá dự thầu” (biểu mẫu số 20, trang 81-83), hồ sơ của Công ty CP Phát triển Logistic Quang Minh có 23 mục, trong đó mục 20 thể hiện rõ bãi đổ thải ở đảo Vũ Yên. Còn hồ sơ Công ty TNHH Vương Phát thể hiện bãi đổ thải xác định có cự ly 10-30 km, đều nằm trong cự ly của bãi đổ thải đảo Vũ Yên.

Cũng tại biểu mẫu 20, hồ sơ Công ty logistic Quang Minh yêu cầu “hút chất thải từ sà lan lên bãi thải”, trong khi hồ sơ Công ty TNHH Vương Phát chỉ yêu cầu “hút phun lên bãi đổ thải”. Theo đó, Công ty Logistic Quang Minh đã phải bỏ cuộc, còn lại Công ty TNHH Vương Phát tiếp tục tham gia đấu thầu.

Đến chiều 26/4, BQLDA quận Hồng Bàng tổ chức mở thầu gói nạo vét lòng sông với 5 doanh nghiệp tham gia, gồm: Công ty TNHH Bình Thành, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Hải, Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng KBC, Công ty TNHH Xây dựng Chấn Nam và Công ty Vương Phát. Sau hơn 1 tuần, chủ đầu tư thông báo kết quả Công ty TNHH Bình Thành là đơn vị trúng thầu với giá gần 24 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc BQLDA về việc một gói thầu mà có đến 2 bộ hồ sơ? Ông Lộc đã thừa nhận có việc chậm bán hồ sơ và có 2 nội dung khấc nhau là do phải chờ đơn vị tư vấn thiết kết chỉnh sửa; và do sơ suất của nhân viên đánh máy, kiểm tra, mặc dù trước đó đã được hẳn một ban thẩm định và một thời gian khá dài để chuẩn bị (?!).

Những dấu hiệu sai phạm

Dư luận cho rằng, tại dự án này, chủ đầu tư là UBND quận Hồng Bàng, đang triển khai gói thầu nạo vét lòng sông Tam Bạc, chưa đúng theo quy trình, thủ tục? Bởi Nghị định 18/2015 quy định, chủ đầu tư phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá tác động môi trường của dự án.

Ví dụ, đối với dự án nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng, chủ đầu tư là Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, phải có trách nhiệm khảo sát, tìm điểm đổ thải, đánh giá tác động môi trường, sau đó mới mời thầu. Nhà thầu chỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bùn thải từ điểm nạo vét tới điểm đổ, nếu xảy ra bất cứ sai sót gì, chủ đầu tư phải có trách nhiệm (đây là quy trình chuẩn).

Tuy nhiên, đối với dự án nạo vét lòng sông Tam Bạc, chủ đầu tư gần như “khoán trắng” cho nhà thầu thực hiện toàn bộ quy trình tìm điểm đổ thải, đánh giá tác động môi trường… đây là một quy trình ngược!

Cũng theo phản ánh thì, doanh nghiệp trúng thầu là Công ty TNHH Bình Thành, không đủ năng lực và chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Để xác minh thực hư việc này, phóng viên đã gọi điện, đề nghị làm việc Công ty TNHH Bình Thành, nhưng doanh nghiệp khẳng định trên điện thoại là "công ty đủ năng lực nên đã trúng thầu" !!!

Cụ thể, tại đơn thư tố cáo mà Công ty Vương Phát gửi về có nêu:

“... Chúng tôi được biết, ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Bình Thành đã có hành vi làm giả và sử dụng các hợp đồng tương tự thi công nạo vét, nhân sự thi công chủ chốt giả vào trong hồ sơ dự thầu Gói thầu số 13 “Nạo vét lòng sông” để đấu thầu nhằm mục đích trúng thầu và đã trúng thầu với giá trị 23.984.715.000 đồng.

Ông Vũ Văn Thành có hành vi tham ô tài sản của Nhà nước. Cụ thể: Công ty TNHH Bình Thành đã được chủ đầu tư tạm ứng theo hợp đồng gần 10 tỷ đồng. Số tiền này, đã được chuyển từ tài khoản của BQL các dự án đầu tư xây dựng quận Hồng Bàng, tại Kho bạc Nhà nước Thành phố Hải Phòng về tài khoản của Công ty TNHH Bình Thành, tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Kiến An, Đông Hải Phòng.

Nhưng khi nhận được số tiền tạm ứng về tài khoản của Công ty TNHH Bình Thành, ông Vũ Văn Thành đã chỉ đạo rút toàn bộ số tiền tạm ứng này để chia chác và sử dụng vào mục đích cá nhân, không sử dụng vào công trình, mặc dù biết đây là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, để qua mặt các cơ quan chức năng, Công ty TNHH Bình Thành đã mua toàn bộ chứng từ khống nhằm hợp thức hóa toàn bộ đầu vào của số tiền đã được tạm ứng với mục đích chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã được tạm ứng để ăn chia"...

Dư luận đặt câu hỏi: Gói thầu số 13 “nạo vét lòng sông“ có dấu hiệu thông thầu; năng lực thực sự của đơn vị trúng thầu ra sao?

Đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng vào cuộc làm rõ những thông tin nêu trên, tránh gây thất thoát tiền bạc của Nhà nước.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV