Theo đơn cầu cứu của bà Đặng Thị Lan, (ngụ khóm 3, phường 1, thị xã Duyên Hải), trình bày: Năm 1989, do làm ăn thua lỗ nên em gái bà là Đặng Thị Mỹ Nhiên ủy quyền lại cho bà 1.000 m2 đất và nhà tại xã Long Hữu (thị xã Duyên Hải) với điều kiện là bà phải trả nợ cho ngân hàng và cho ông Lê Văn Bảnh 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng). Trong khi bà Lan mới thực hiện việc trả tiền cho ngân hàng thì ông Bảnh đã tự ý dọn vế căn nhà này ở và chiếm luôn nhà, đất.
Mảnh đất của gia đình bà Lan nay là vòng xuyến Quốc lộ 53
Trước sự việc đó, bà Lan làm đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng địa phương để can thiệp. Trong khi cơ quan chức năng chưa kịp giải quyêt thì đến năm 2002, Nhà nước có chủ trương thu hồi 1.000 m2 đất này cho Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp cải tạo QL53 (đoạn Trà Vinh - Long Toàn).
Bất ngờ hơn là không biết dựa vào đâu mà ngày 28/01/2008, ông Lê Văn Khánh – cán bộ địa chính xã và ông Huỳnh Minh Mạng – cán bộ Ban quản lý Dự án lại làm biên bản giao 94.592.500 đồng cho ông Lê Văn Bảnh trong sự ngỡ ngàng của gia đình bà Lan cũng như người dân nơi đây?
Thêm một biên bản cam kết “lạ” để lấy tiền người này giao người khác?
Sau nhiều năm đi đòi công lý, tháng 7/2017, gia đình bà Lan được ông Lê Văn Khánh, cán bộ địa chính phường 1 (thị xã Duyên Hải) nhiều lần gọi ra và “hứa miệng” sẽ cấp cho gia đình bà một lô đất tái định cư tại khu trung tâm văn hóa thị xã (?!).
Tương tự, trường hợp vợ chồng anh Phan Văn Ca Hai (K2) và Dương Thị Muôi, cho biết: “Trước đây, cha mẹ chúng tôi đã tạo lập thửa đất có diện tích 4.645 m3. Sau khi cha mẹ qua đời, gia đình anh cả là Phan Văn K2 tiếp tục ở và sử dụng diện tích nhà đất trên. Năm 1997, tôi để cho em gái tôi là Phan Thị Ngọc lấy chồng tên là Tăng Thành Được ở trên diện tích nhà đất này. Khi Nhà nước có chính sách cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi đồng ý để hộ ông Tăng Thành Được (em rể) đứng tên kê khai, làm thủ tục.
Đến ngày 19/12/2005, ông Tăng Thành Được đã chuyển trả lại toàn bộ 4.645 m2 này cho gia đình tôi và gia đình tôi hoàn trả cho hộ ông Tăng Thành Được chi phí cải tạo đất là 6 triệu đồng. Sau đó, tôi đã làm thủ tục đăng ký biến động ngày 10/01/2006 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 528, Tờ bản đồ số 5 với diện tích đất là 4.645 m2. Từ đó đến nay, gia đình tôi vẫn tiếp tục sinh sống, ổn định trên diện tích đất này.
Chị Dương Thị Muôi, vợ chồng anh K2 trình bày sự việc với PV
Trong quá trình sử dụng đất, tôi có cho mợ dâu của tôi là bà Huỳnh Thị Hường mượn một phần mảnh đất để phát triển chăn nuôi. Đến đầu năm 2015, Nhà nước triển khai Dự án đường dây truyền tải điện 500kV (Duyên Hải – Mỹ Tho). Diện tích đất của tôi cũng thuộc diện bị giải tỏa một phần.
Thấy mọi người lãnh tiền bồi thường, tôi nghĩ trước sau gì là đất của mình có sổ đỏ hẳn hoi thì họ phải gọi mình đến để trình giấy tờ mới bồi hoàn tiền. Nào ngờ, đến tháng 4/2015, tôi nhận được tin trong lúc Ban quản lý dự án và UBND xã Dân Thành đi đo đạc thì bà Huỳnh Thị Hường đã đứng ra kê khai là đất của bà với diện tích kể trên, sau đó bà đã nhận đủ số tiền bồi hoàn hơn 200 triệu đồng”.
Việc chính quyền sở tại giải quyết theo cảm tính như vậy có đúng pháp luật hiện hành hay không? Vì theo khoản 1 Điều 75, Luật Đất đai năm 2013 quy định thì người được nhận tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi đất phải là người đang sử dụng đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ các điều kiện được bồi thường về đất. Trong trường hợp này, gia đình ông K2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế nhưng người nhận được bối thường lại là bà Huỳnh Thị Hường? Đây là một uẩn khúc cần được làm rõ để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người dân, cũng như có cơ sở để truy cứu trách nhiệm cán bộ sai phạm.
Những trường hợp vừa nêu trên, chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” so với những gì mà chúng tôi đã thu thập được trong vấn đề quản lý đất đai ở thị xã Duyên Hải (Trà Vinh).
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc "vì sao có “chuyện lạ” này và ai là người “tiếp sức” cho những sai trái đó?" trong những số báo tới.
Cao Diên – Hải Dương