THCL Ngày 10⁄5⁄2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 679⁄QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
Thực hiện Chương trình, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực đã phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống mại dâm, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, chỉ đạo xử lý nghiêm các địa bàn để xảy ra tình trạng mại dâm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể tổ chức gần 100 đoàn công tác do lãnh đạo cấp Bộ và thủ trưởng các cơ quan chuyên trách làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư kinh phí và giám sát việc thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Các đoàn công tác đã nắm bắt tình hình ở địa phương, phát hiện các mô hình hiệu quả cần nhân rộng và khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, tiếp tục yêu cầu địa phương khắc phục, giải quyết và đề nghị các bộ ngành có liên quan xem xét thực hiện các kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành hơn 100 văn bản (Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tệ nạn mại dâm; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm.
Ở Trung ương, Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, thành viên là đại diện của gần 30 Bộ, ngành, đoàn thể có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xây dựng, hoạch định các chính sách, pháp luật, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống mại dâm, trong đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực về lĩnh vực phòng, chống mại dâm. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và cán bộ kiêm nhiệm thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể được đào tạo chính quy, có kinh nghiệm, nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc.
Ở địa phương, hệ thống Chi cục, Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Đội cảnh sát Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Phòng cảnh sát Hình sự (Công an cấp tỉnh), công an cấp huyện được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố. 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 691 Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm. Đội kiểm tra liên ngành đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Trong 5 năm (2011-2015) đã có 122.160 lượt cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn.
Với quan điểm lấy công tác phòng ngừa làm trọng tâm trong việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm phòng ngừa từ xa; tăng cường lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội.
Các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức phát sóng, đăng tải hàng nghìn tin bài, phóng sự, chuyên trang, phim, kịch về tình hình tệ nạn mại dâm. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 886.726 cuộc truyền thông, giáo dục về phòng chống mại dâm với hơn 45 triệu người tham gia; phân phát 2.226.538 tài liệu tuyên truyền (tờ rơi, panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu). Cả nước đã thành lập trên 17.000 Câu lạc bộ tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội. Cùng với phát triển mô hình Câu lạc bộ, nhiều địa phương đã xây dựng mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS kết hợp với phòng, chống mại dâm tại cộng đồng có hiệu quả như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành và người dân được tiếp cận với các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, giúp họ hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, hạn chế các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Gia Linh (Thương hiệu & Công luận)