Thị trường nhanh chóng tìm lại sắc xanh sau pha đảo chiều điều chỉnh nhẹ cuối phiên 6/6, tuy nhiên, tâm lý thận trọng lan rộng cùng diễn biến thiếu sự hậu thuẫn của các nhóm cổ phiếu trụ cột, đã khiến VN-Index khó tiến xa. Một lần nữa thị trường “chào thua” trước ngưỡng cản mạnh 1.290 điểm khi tạm dừng phiên sáng 7/6 chỉ tăng nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. VN-Index “mắc kẹt” với những nhịp hồi áp sát mốc 1.290 điểm đều nhanh chóng thoái lui, thậm chí có thời điểm chỉ số này bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu.

Thị trường đóng cửa tăng nhẹ với thanh khoản thấp nhất trong 10 phiên khi tổng giá trị giao dịch toàn sàn HOSE chưa tới 18.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu lớn đều giao dịch phân hóa, dòng tiền vẫn hoạt động sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tiếp sức cho đà tăng mạnh của nhiều mã.

Đóng cửa, sàn HOSE có 235 mã tăng và 178 mã giảm, VN-Index tăng 4,02 điểm (+0,31%) lên 1.287,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 698 triệu đơn vị, giá trị gần 17.849 tỷ đồng, giảm 21,84% về khối lượng và 19,76% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 93,6 triệu đơn vị, giá trị 2.507,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng (13 mã tăng và 12 mã giảm), trong đó, với sự đóng góp tích cực của các mã lớn như SAB, TCB, FPT, chỉ số nhóm này đóng cửa tăng gần 6 điểm.

Cụ thể, SAB sau nhịp nghỉ hôm qua, đã tiếp tục tăng tốc trong phiên hôm nay, thậm chí có thời điểm tiệm cận mức giá trần. Đóng cửa, SAB tăng 3,7% lên mức 67.900 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Đáng chú ý là TCB, trong khi nhiều mã cùng dòng bank trở nên yếu hơn, trong đó VCB đảo chiều giảm nhẹ, thì TCB vẫn khởi sắc và là động lực lớn nhất, đóng góp gần 1 điểm cho chỉ số chung. Đóng cửa, TCB tăng 2,3% lên mức 49.100 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong hơn 2 năm qua của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản vẫn sôi động khi đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường với 15,46 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã nóng như YEG, HNG, PTL, LDG, TNI đã đóng cửa tăng kịch trần, đáng kể như HNG dư mua trần tới hơn 5,1 triệu đơn vị, TNI dư mua trần gần 3,8 triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, với sự phân hóa trong ngành khiến các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đều biến động tăng giảm trong biên độ hẹp.

Nhóm công nghệ và thông tin, vận tải – kho bãi, và nông – lâm – ngư đang thuộc top tăng tốt của thị trường xoay quanh mức 1,5%. Trái lại, nhóm bảo hiểm, bán buôn giảm mạnh nhưng biên độ cũng chỉ đến 0,5%.

Về thanh khoản, cổ phiếu SHB dẫn đầu với 17,17 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống mức 11.800 đồng/CP; tiếp theo là các mã GEX, TCB, VSC đều đạt hơn 15 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường tiếp tục biến động giằng co trong phiên chiều, tuy nhiên nhóm bluechip đã làm tốt vai trò nâng đỡ giúp HNX-Index tìm lại sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,33%) lên 244,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 75,87 triệu đơn vị, giá trị 1.346,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị hơn 46 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng cửa tăng 2,6 điểm, trong đó có 10 mã giảm với NTP giảm 2,8%, TDN giảm 1,8% còn lại chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%; ngược lại có 13 mã tăng với cặp đôi DHT và DXP vẫn dẫn đầu, lần lượt tăng 6,7% và 4,5%.

Cổ phiếu SHS có thanh khoản tốt nhất thị trường với 6,8 triệu đơn vị, đóng cửa tại mốc tham chiếu 18.600 đồng/CP. Trong khi đó, TVC đã không thoát được giá sàn, đóng cửa tại mức giá 9.500 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua SHS, với 5,75 triệu đơn vị.

Điểm sáng trên sàn HNX cũng là các mã vừa và nhỏ, trong đó bộ 3 nhà APEC là IDJ tăng 2,6%, API tăng 3,4%, APS tăng 2,5% với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công sau pha đảo chiều điều chỉnh nhẹ vào giữa phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,55%), lên 98,86 điểm với 241 mã tăng (66 mã tăng trần) và 148 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 95,7 triệu đơn vị, giá trị 1.103,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15 triệu đơn vị, giá trị 140,8 tỷ đồng, trong đó riêng LSG thỏa thuận 11,45 triệu đơn vị, giá trị 148,88 tỷ đồng và MCH thỏa thuận 272.000 đơn vị, giá trị 66,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu PVX vẫn giữ sắc tím, đóng cửa đứng tại mức giá 2.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 7,19 triệu đơn vị và dư mua trần 0,33 triệu đơn vị.

Hàng loạt mã nhỏ khác như ACM, DCS, FTM, HKB, LMH, MPT, GPC đều đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng giao dịch khá sôi động.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR vẫn rung lắc và đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống mức 23.700 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 6,5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng trên dưới 10 điểm, trong đó VN30F2406 tăng 9,3 điểm, tương ứng tăng 0,7% lên 1.308 điểm, khớp lệnh 228.346 đơn vị, khối lượng mở 56.307 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, mã CVPB2314 phiên này khớp lệnh cao nhất với 2,92 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,1% xuống 100 đồng/cq. Tiếp theo là CSHB2303 khớp 2,45 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 11,5% xuống 230 đồng/cq giá tăng hơn 30% lên 300 đồng/cq và CTCB2310 với 2,43 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,1% lên 2.110 đồng/cq.

Hà Trần (t/h)