Việt Nam tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…) là cam kết về thuế, giúp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức cho hàng hóa Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh, xuất xứ hàng hóa và nhất là về phòng vệ thương mại (PVTM).
Gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gia tăng
Thực tế, trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu liên tục gia tăng, thời gian qua đã có hiện tượng khi bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng ở nhiều nước đã tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Trong khi đó, do có chính sách thuận lợi thu hút đầu tư, Việt Nam lại là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi quyết định dịch chuyển sản xuất. Và khi tiếp nhận năng lực sản xuất mới, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh, từ đó dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra áp dụng các biện pháp PVTM bổ sung của nước nhập khẩu.
Xuất khẩu tăng, lo chống gian lận xuất xứ
Các đối tác này thường nghi ngờ hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” trong nước, tập trung vào các mặt hàng đang bị áp thuế PVTM được xuất khẩu với số lượng lớn, gia tăng đột biến sang các nước hoặc các mặt hàng bị nghi ngờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện chủ trương chủ động hội nhập giai đoạn 2000 - 2016, có tới 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam (trung bình một vụ/năm). Đặc biệt, chỉ từ năm 2017 đến quý I-2020, đã có thêm 7 vụ việc mới (trung bình mỗi năm 2 vụ).
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp PVTM, nhất là thông qua gian lận xuất xứ (GLXX), có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước; về lâu dài, còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đã tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ như EVFTA.
Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa: Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các quy định hiện hành để gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu “đầu vào” và sản phẩm “đầu ra”, hoặc lợi dụng việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ để nộp chứng từ giả… Cụ thể, một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu như xe đạp, giày, mũ da...; nhưng sau khi điều tra chống bán phá giá đã phát hiện ra đây là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại không những gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và những đối tác quan trọng khác, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định. Các doanh nghiệp sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu, đồng thời hàng hóa của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ như hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tế; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ cũng tạo động lực cho gian lận thương mại.
Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ
Để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; gửi thông tin tới các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, theo dõi và phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Đồng thời, tích cực phổ biến các quy định trong lĩnh vực này và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan.
Tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May Nguyệt Hùng (phường Sài Đồng, quận Long Biên) cho rằng: “Để đối phó với tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp phải tăng năng suất, đầu tư cho tự động hóa, chọn đơn hàng cao cấp và dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tìm khách hàng tại các thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia hiệp định thương mại tự do như Canada, Australia, EU...”.
Theo ông Âu Anh Tuấn, để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng và thực tế hàng hóa, Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm tra cụ thể tên hàng, C/O hàng hóa, nhãn hàng hóa…; thu thập thông tin những mặt hàng mà các thị trường lớn áp dụng thuế chống bán phá giá nhằm kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá, hoặc đang điều tra...
Đề cập đến giải pháp ngăn chặn việc làm giả C/O, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, bên cạnh việc phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ; đẩy mạnh thực hiện C/O điện tử, hướng tới không sử dụng C/O giấy.
Với những lợi thế từ 12 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, Việt Nam khó tránh khỏi bị lợi dụng là nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba, cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước. Nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện các giải pháp cứng rắn, xử lý nghiêm và không có ngoại lệ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và GLXX, trong đó đề ra hai nhóm mục tiêu chính. Thứ nhất, phải tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, GLXX có chọn lọc; đẩy mạnh chống GLXX hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra C/O.
Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, GLXX. Thứ hai, cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan bằng cách nâng cao khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh để gia tăng khả năng ứng phó của các ngành...
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định. Doanh nghiệp cần có ý thức không tham gia, tiếp tay cho các hành vi GLXX, chuyển tải bất hợp pháp vì thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng và khi đó doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Hoan Nguyễn
Tin mới
Hà Tĩnh: Sạt lở nghiêm trọng trên Quốc lộ 8A
Do mưa lớn kéo dài, trên tuyến Quốc lộ 8A (Hà Tĩnh) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, đất đá và cây cối đổ ngổn ngang khiến đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bị chia cắt hoàn toàn.
Công ty Thành Đạt thực hiện kê khai hợp đồng nguyên tắc và nhân sự không trung thực tại gói thầu xây lắp điện nông thôn
Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu xây lắp điện nông thôn trên địa bàn 2 huyện Điện Biên và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Tại Gói thầu này, E- HSDT của Liên danh Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ thương mại Thành Đạt và Công ty cổ phần đầu tư phát triển điện lực và hạ tầng Đông Nam Á bị đánh giá không đạt vì đã kê khai hợp đồng nguyên tắc và nhân sự không trung thực.
Cà Mau lập quy hoạch chung đô thị mới Hồ Thị Kỷ
UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị mới Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình đến năm 2045.
Thương hiệu kem Merino và Celano về tay Nutifood
Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) vừa thông báo hoàn tất các thủ tục đầu tư để nắm giữ 51% cổ phần của vào Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods).
PGBank trao quyết định bổ nhiệm Quyền Tổng giám đốc
Ông Nguyễn Văn Hương được Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank – mã chứng khoán: PGB) trao quyết định bổ nhiệm vào vị trí Quyền Tổng giám đốc.
Dự kiến chi 2.400 tỷ đồng làm nút giao nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với huyện Cần Giờ
TP. Hồ Chí Minh dự kiến chi 2.400 tỷ đồng làm nút giao nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với huyện Cần Giờ.
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững