Phiên đầu tuần diễn ra tương đối tích cực với mức tăng khá tốt trên các chỉ số. Đồng thời thanh khoản cũng có sự cải thiện so với phiên cuối tuần trước và hiện cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Diễn biến trong phiên 15/08 là thực sự tích cực khi chỉ số VN-Index giao dịch với sắc xanh trong cả phiên, bất chấp áp lực bán có lúc gia tăng khiến chỉ số rung lắc nhưng VN-Index vẫn kết phiên với mức tăng khá tốt.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 15/08, VN-Index tăng 11,87 điểm (+0,94%) lên 1.274,2 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 278 mã tăng (11 mã tăng trần), 82 mã tham chiếu, 164 mã giảm (1 mã giảm sàn). HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,18%) lên 303,97 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là trung tính với 87 mã tăng (4 mã tăng trần), 59 mã tham chiếu, 91 mã giảm (3 mã giảm sàn).
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, VN-Index có dấu hiệu bật tăng khỏi vùng đi ngang với thanh khoản gia tăng so với cuối tuần trước. Tín hiệu cũng đồng thuận trên biểu đồ ngày của đồ thị Ichimoku, khi chỉ số đã thoát khỏi vùng mây Kumo dày, cho thấy lực cầu mua chủ động đã chiếm ưu thế.
“Chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng giá, hướng tới vùng 1.285-1.290 điểm trong các phiên tới. Trước mắt, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, khu công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường, vì vậy nhà đầu tư có thể giải ngân thêm tại các nhịp điều chỉnh nếu có sẵn vị thế và không nên mua đuổi các nhóm ngành này”, chuyên gia của Agriseco nêu quan điểm.
Đại diện chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) dự báo: “Trong phiên giao dịch hôm nay 16/08, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.275 – 1.280 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.285 – 1.290 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày”.
Chuyên gia của SHS cho hay phân tích: “Chúng tôi bảo lưu quan điểm về đích tới của đợt hồi phục với VN-Index ở 1.315 điểm và giai đoạn hiện tại chỉ phù hợp với mục tiêu nắm giữ trạng thái nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của đợt hồi phục. Các quyết định mua vào ở giai đoạn này sẽ khó khăn hơn bởi dư địa hồi phục không còn nhiều”.
Q.N (t/h)