THCL Vào 0 giờ ngày 25/5/2016, Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn Hà Nội - Bắc Giang đã chính thức tiến hành thu phí.

Tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang

Dự án tuyến cao tốc trên được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Văn bản số 2238, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 113 ngày 18/12/2013 và do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Thương mại 319, Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (Liên danh OGC-VCG-319 INVEST-VANPHU INVEST) làm nhà đầu tư dự án, theo Quyết định số 406 ngày 12/02/2014.

Dự án có tổng chiều dài  45,8 km, từ TP. Hà Nội đến huyện Việt Yên (Bắc Giang); tổng vốn đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, được khởi động từ ngày 20/2/2014 và thông xe vào ngày 03/1/2016.

Tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đã được tiến hành thu phí, theo đó, mức phí thu thấp nhất là 35.000 đồng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; mức phí cao nhất là 200.000 đồng đối xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit.

Với mức thu phí trên, nếu đem so sánh với mức thu phí dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì sao? Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD (khoảng 45.522 tỷ đồng), tổng chiều dài 105 km, mức thu phí thấp nhất của toàn tuyến là 210.000 đồng và cao nhất là 840.000 đồng.

Nếu nhìn vào con số trên, có thể nhận thấy, tổng mức đầu tư của tuyến Hà Nội – Hải Phòng lớn gấp khoảng 10 lần tổng mức đầu tư của tuyến Hà Nội – Bắc Giang (45.522 tỷ đồng/4.213 tỷ đồng). Trong khi đó, mức thu phí lại chỉ cao hơn 6 lần (210.000 đồng/35.000 đồng). Vì sao lại có sự chênh lệch như vậy?

Được biết, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có đoạn cao tốc từ Hà Nội đến hết địa phận tỉnh Bắc Ninh, dài khoảng 30 km là được nâng cấp trên tuyến Quốc lộ 1A cũ (đoạn đường  được cho rằng chất lượng vẫn còn khá tốt). Việc nâng cấp, theo như phản ánh của những người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến đường này, chỉ là việc “đổ thêm vài lớp nhựa đường, sửa chữa lại giải phân cách, thêm biển báo hiệu”… Vậy mà phải bỏ ra tới 35.000 đồng để tham gia giao thông… thì thật đắt đỏ.

Anh Lê Văn Long, thường xuyên đi làm từ Hà Nội đến thành phố Bắc Ninh, cho biết: “Tuyến Quốc lộ 1A trước đây khá tốt, bây giờ nâng cấp, đổ thêm vài lớp nhựa, thêm biển báo thôi…, nhưng hàng tháng tôi mất thêm hàng triệu đồng chi phí đường. Tôi thấy mức thu này không hợp lý đối với mức lương của tôi,  mong các cấp có thẩm quyền xem xét lại mức phí trên tuyến đường này sao cho hợp lý”.

Đó cũng là bức xúc đối với nhiều nhà xe,  người dân tham gia giao thông thường xuyên trên tuyến đường này.

 

Thu Hằng – Quỳnh Nga