Các loại trái cây của nông dân huyện Phong Điền được trưng bày, giới thiệu  tại một hội chợ được tổ chức ở Phong Điền

Cây ăn trái khẳng định hiệu quả

Huyện Phong Điền có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.500 ha, trong đó hiện có 9.000 ha vườn cây ăn trái các loại, với sản lượng đạt trên 100.000 tấn/năm. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn Phong Điền đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Toàn huyện hiện có tổng diện tích vườn cây ăn trái chuyên canh có giá trị kinh tế cao đạt 5.000 ha, gồm các loại vú sữa, nhãn, măng cụt, sầu riêng... Huyện đã hình thành và phát triển được các vùng chuyên canh cây ăn trái phù hợp với điều kiện, lợi thế sẵn có của từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cụ thể như, vùng trồng vú sữa ở các xã Trường Long, Giai Xuân với diện tích 350ha; vùng trồng sầu riêng Tân Thới với diện tích hơn 1.500 ha; vùng nhãn Ido Nhơn Nghĩa với diện tích 320 ha...

Còn lại một số xã cũng phát triển trồng chuyên canh cây ăn trái theo từng tiểu vùng với quy mô vài chục héc-ta cho mỗi vùng. Nhiều loại cây ăn trái ngon, đặc sản tại huyện giúp nông dân có thể kiếm được thu nhập từ 300-700 triệu đồng/ha/năm trở lên, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nông dân trồng sầu riêng ở xã Tân Thới, cho biết:

"Sầu riêng trồng tại huyện Phong Điền cho trái đạt chất lượng cao, ăn thơm ngon và ít bị sượng nên có đầu ra khá thuận lợi. Năng suất cũng đạt cao, những vườn sầu riêng trồng lâu năm tuổi, năng suất có thể đạt hơn 3 tấn/công. Với giá bán sầu riêng vào thuận mùa thu hoạch ở mức từ 45.000-50.000 đồng/kg trở lên như những năm vừa qua, nhiều nông dân trồng sầu riêng tại huyện có thể kiếm lời hơn 700 triệu đồng/ha".

Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A tại xã Trường Long, nhờ trồng vú sữa và sầu riêng mà nhiều hộ dân tại HTX đã có điều kiện nâng cao thu nhập. Đặc biệt, HTX đã được ngành chức năng tại huyện và thành phố hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng các quy trình kỹ thuật để trồng cây ăn trái đạt theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP và được cấp mã số vùng trồng để có thể cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và các thị trường khó tính, giúp mang lại giá trị cao.

 Chủ động hỗ trợ nông dân

Để hỗ trợ nông dân tại địa phương phát huy tốt lợi thế về kinh tế vườn, huyện Phong Điền không chỉ quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật mà còn tích cực hỗ trợ nông dân chuẩn hóa sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường, cũng như xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả.

Theo đó, huyện chú trọng hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoc học - kỹ thuật và đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là lắp đặt các hệ thống tưới phun nước cho vườn cây; thúc đẩy nông dân tăng cường liên kết với nhau và với các doanh nghiệp nhằm gắn kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; kịp thời thành lập các HTX gắn với hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và có mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu.

Bên cạnh việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái ngon, đặc sản phục vụ xuất khẩu, lãnh đạo huyện Phong Điền cũng quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình trồng cây ăn trái gắn với phát triển du lịch.

Qua đó, giúp người dân địa phương tăng cường tiêu thụ và "xuất khẩu trái cây tại chỗ" thông qua khách du lịch, đồng thời góp phần tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn.

Huyện Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

Phong Điền có 10.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đã có 9.000 ha trồng cây ăn trái. Theo ông Nguyễn Văn Út Em, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, với diện tích vườn cây ăn trái chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo sản xuất cây ăn trái theo các tiêu chuẩn, quy trình an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất.

Đồng thời, lãnh đạo huyện quan tâm gắn kết sản xuất với các doanh nghiệp xuất khẩu và đơn vị bao tiêu sản phẩm, nhất là đối với các loại cây ăn trái chủ lực của huyện nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả, ổn định và bền vững lâu dài. Hiện trên địa bàn huyện đã có các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp đầu tư nhà kho đóng gói sơ chế sầu riêng để xuất khẩu, với diện tích 1.200 m2, sức chứa 100 tấn/ngày.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, với sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở, huyện Phong Điền đã và đang đẩy mạnh việc trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng mã số vùng trồng. Năm qua, huyện đã hỗ trợ người xây dựng 36 mã số vùng trồng cho cây ăn trái để phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

Trong tổng số các mã số vùng trồng đã thực hiện, thì có hơn 1.000 ha sầu riêng. Tới đây, huyện tiếp tục phối hợp chặt các sở, ngành thành phố để đẩy nhanh tiến độ xây dựng mã số vùng trồng cho các diện tích cây ăn trái còn lại, nhất là đối với cây sầu riêng.

Huyện Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP. Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân...

T. Hương (Nguồn: )