Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Đối với thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cung ứng đầy đủ cho thị trường thành phố phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp, không được đầu cơ, tích trữ xăng dầu.
Thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9 /2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý để bảo đảm hài hòa, lợi ích các bên, không gián đoạn nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Đối với đại lý phân phối xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu, đảm bảo việc cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, kịp thời báo cáo UBND thành phố, Bộ Công Thương để có ý kiến chỉ đạo.
Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng, xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm pháp luật, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; giám sát thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn; kiểm tra không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu dừng bán hàng không có lý do, gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cục bộ tại địa bàn do đầu cơ hoặc găm hàng trục lợi, không phục vụ tốt người tiêu dùng.
Cục Thuế thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 1123/CĐ-TTg ngày 18/11/2023, số 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023.
Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, định hướng thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ, ngành về công tác quản lý xăng dầu hiện hành.
Ngoài ra, UBND quận, huyện chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương, theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng xăng dầu hoạt động đúng theo quy định của pháp luật.
Yến Linh (t/h)