THCL Nhà nước không nên can thiệp vào giá mà điều hành, quản lý bằng chính sách nhằm định hướng cho doanh nghiệp hoạt động, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Thị trường sữa cần có chính sách điều hành hợp lý hơn
Mới đây, tại buổi làm việc với đại sứ Michael Froman, đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ xem xét bỏ giá trần đối với mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/7.
Giá trần hạn chế sáng tạo
Quy định giá trần sữa trẻ em áp dụng từ ngày 1/6/2014, kéo dài đến ngày 31/12/2016. Như vậy, nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ gỡ bỏ trần giá sữa trước 6 tháng so với thời hạn. Các doanh nghiệp (DN) hy vọng quyết định này sẽ giúp thị trường sữa phục hồi sau 2 năm tuột dốc.
Theo quy định về trần giá sữa, giá bán buôn tối đa các sản phẩm sữa trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Tài chính quy định, giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá bán buôn tối đa mà DN đăng ký với Bộ Tài chính. Giá trần được tính dựa trên chi phí các thành phần hàng hóa do chính DN đặt ra và được áp dụng tùy từng DN. Đây được xem là biện pháp nhằm xây dựng thị trường sữa ổn định, không tăng giá vô tội vạ và kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi áp trần giá sữa, thị trường sữa đi xuống, sản lượng tiêu thụ của hầu hết DN giảm sút chứ không tăng như kỳ vọng của Bộ Tài chính.
Đại diện một DN sữa tại TP. Hồ Chí Minh cho biết doanh thu của công ty giảm trong 2 năm qua và mới có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Diễn biến thị trường cho thấy mục tiêu áp giá trần để kiểm soát mặt hàng sữa, hỗ trợ người dùng đã không đạt. Ngược lại, những can thiệp về giá đã làm cho DN gặp khó khăn, mất tính sáng tạo do không thể đầu tư tạo sự khác biệt cho sản phẩm vì làm sữa công thức, bổ sung vi chất sẽ vướng giá trần, không bảo đảm lợi nhuận.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm (Hanco Food), dẫn chứng DN mới tham gia thị trường sữa sẽ tốn chi phí khấu hao tài sản và thiết bị cao hơn nhiều so với DN lớn đã hoạt động vài chục năm. Doanh thu của công ty nhỏ cũng nhỏ hơn công ty lớn nhưng chi phí quản lý thì cao hơn. Do đó, DN nhỏ muốn cạnh tranh được thì phải đầu tư sáng tạo, làm ra sản phẩm cao cấp hơn, tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, quy định buộc DN nhỏ bán hàng theo giá tham chiếu của DN lớn là vô lý. Bị buộc vào giá trần, DN không thể chủ động đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng hơn nên rất khó bán hàng.
Theo nhiều DN sữa, việc áp giá trần không mang lại hiệu quả tích cực như mong muốn và có phần trói buộc sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Thời gian qua, nhiều DN sữa ngoại lách quy định giá trần bằng cách đổi tên sản phẩm để bán vào nội địa, nhà nước không quản lý được.
Phải xử lý độc quyền, làm giá
Nhiều DN sản xuất sữa cho rằng nhà nước không nên can thiệp giá mà cần điều hành, quản lý bằng chính sách nhằm định hướng cho DN. Cạnh tranh trên thị trường sữa luôn gay gắt, tùy theo cung cầu của thị trường và thị hiếu tiêu dùng mà DN quyết định giá bán nhằm bảo đảm đầu ra, lợi nhuận. Việt Nam đã mở cửa thị trường, việc để thị trường quyết định giá sữa sẽ giúp DN chủ động hơn trong cạnh tranh. “Các thương hiệu sữa lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Người tiêu dùng cũng có nhiều kênh để tìm hiểu chất lượng sản phẩm trước khi mua. Chất lượng nhiều mặt hàng sữa nội không thua kém sữa ngoại... Vì thế, không lo bị DN làm giá” - đại diện một DN sữa tại TP. Hồ Chí Minh nhận định.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận cơ quan quản lý can thiệp vào giá cả như lâu nay là không ổn. Quy định trần giá sữa chỉ có lợi cho một số DN, tạo ra tình trạng không công bằng giữa các DN có quy mô khác nhau. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng cần tìm giải pháp khác. “Đến giờ mới xem xét bỏ trần giá sữa là làm quá chậm. Quản lý bằng cách can thiệp hành chính là không đúng theo kinh tế thị trường. Điểm cốt lõi trong quản lý giá sữa là chúng ta phải biết có tình trạng DN câu kết với nhau để độc quyền, làm giá không? Phải truy tận gốc và xử lý triệt để tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh” - ông Lịch đề xuất.
Theo Người Lao động