Cần đột phá khâu trước và sau nông dân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp
Báo trân trọng giới thiệu bài viết “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tăng t
Báo trân trọng giới thiệu bài viết “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân: Cần đột phá ở khâu trước và sau nông dân” của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Ủy viên Bộ Chính tri,̣ Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VGP/Từ Lương
Không đầy một năm sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài “Gửi nông gia Việt Nam” đăng trên báo “Tấc đất” ngày 11/4/1946 khẳng định vai trò quan trọng và con đường đi của ngành nông nghiệp nước ta: "Việt Nam ta là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã".
Thực hiện mong ước và chỉ dẫn của Người, trong gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của nước ta.
Ngành nông nghiệp nói chung đóng góp 18,38% GDP cả nước năm 2013. Nông thôn là thị trường rộng lớn với dân số chiếm 67,64% tổng dân số cả nước năm 2013, có yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, giá cả phù hợp với hàng sản xuất trong nước nên đã góp phần quan trọng làm tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước, góp phần ngăn chặn nguy cơ sụt giảm tăng trưởng kinh tế.
Ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, đưa nước ta từ chỗ thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với 7 mặt hàng chủ lực như: xuất khẩu tiêu đứng thứ nhất thế giới; cà phê và hạt điều đứng thứ hai; gạo, cao su và thủy sản đứng thứ ba và chè đứng thứ năm.
Xuất khẩu nông sản tăng trưởng bình quân 13,3%/năm trong giai đoạn 2008-2012, năm 2013 đạt giá trị hơn 27 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2013, trong 22 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên ngành nông nghiệp đã đóng góp 7 mặt hàng (thuỷ sản, rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn). Nền nông nghiệp nước ta còn tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất thuộc vào loại nước có năng suất sinh học cao nhất thế giới là hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, gạo, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Nông nghiệp cũng đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá, kiềm chế lạm phát, nhất là trong những năm 2011 đến 2013 do giá lương thực và thực phẩm cơ bản ổn định. Lương thực, thực phẩm là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi tiêu của người có thu nhập thấp, nên giá lương thực, thực phẩm ổn định là niềm vui của người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, vẫn còn 3 câu hỏi cấp bách mà chúng ta cần phải tìm ra lời giải. Một là, đang tồn tại một nghịch lý: Nước ta có nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất thuộc loại cao nhất thế giới, nhiều nông sản dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhưng thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp và không ổn định.Hai là, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp có xu hướng giảm dần: Tăng trưởng bình quân 1996-2000 là 4,01%/năm; 2001-2005 là 3,83%/năm; 2006-2010 là 3,03%/năm và trong giai đoạn 2011-2013 chỉ tăng 2,7%/năm. Đáng lưu ý là trong 2 năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm mạnh và chỉ bằng khoảng 2,6%/năm. Nền nông nghiệp nước ta đang đối mặt với nguy cơ không trở lại được mức tăng trưởng trên 3% trong nhiều năm tới nếu không có những giải pháp đột phá. Ba là, với phương thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình và nông trại, với sự hỗ trợ của hệ thống khuyến nông và thành tựu to lớn về năng suất cây, con, sản lượng và xuất khẩu nông sản trong hơn 20 năm qua, người nông dân Việt Nam cần cù, sang tạo đã gần như làm hết khả năng của mình.
Vì vậy, muốn thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, để nông dân có thu nhập cao hơn và bền vững hơn, thì ngoài việc người nông dân phải tiếp tục lao động cần cù và sáng tạo, thì cần phải “mổ xẻ”, phân tích khâu trước nông dân và sau nông dân trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, trong hơn 20 năm qua, đã diễn ra một cuộc cách mạng về năng suất của rất nhiều cây, con ở nước ta. Đây là cơ sở khoa học và nền tảng vật chất để nông nghiệp nước ta đạt được những thành quả to lớn. Song khâu trước nông dân – việc cung ứng vốn, vật tư, giống, thiết bị máy móc cho người nông dân và khâu sau nông dân – tiêu thụ nông sản không có thay đổi nào có tính cách mạng. Tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây, con không đạt chất lượng, bị làm giả, giá tăng cao là nằm ngoài khả năng chi phối của nông dân. Lãi suất cho vay, thời hạn vay và quy mô vốn được vay cho các hộ nông dân cũng nằm ngoài khả năng chi phối của nông dân. Giá đầu vào cao vẫn phải mua, lãi suất cao vẫn phải vay. Người nông dân không có khả năng dự báo giá cả và nhu cầu thị trường. Đến kỳ thu hoạch, giá cây, con dù thấp vẫn phải bán, nếu không sẽ còn thiệt hại hơn và không có tiền trả nợ vụ trước. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa diễn ra từ hàng chục năm, song người nông dân không thể chi phối được. Có thể nói một cách hình tượng: đầu vào giá cao và chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán đang là hai gọng kìm giữ chặt thu nhập thấp của người nông dân cho dù năng suất đã liên tục tăng trong hơn 20 năm qua và với nhiều cây, con năng suất đã đạt loại cao nhất thế giới. Để chấm dứt nghịch lý: Năng suất cao, thu nhập thấp; năng suất cao, tăng trưởng thấp thì phải có một cuộc cách mạng ở khâu trước và khâu sau nông dân.
Nhằm tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, ngày 10/6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo Quyết định 899/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ các định hướng cơ bản là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6 đến 3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5 đến 4%/năm trong giai đoạn 2016-2020; tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, không thuận lợi về điều kiện đất đai, sinh thái, nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ tham gia vào quá trình tăng trưởng nông nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường lao động phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho dân nông thôn, giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Từ thực tiễn hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án, lấy định hướng gia tăng thu nhập cho người nông dân làm trọng tâm và nâng cao hiệu quả của toàn ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, chúng tôi xin đưa ra 2 giải pháp về quy hoạch, 5 giải pháp về đầu vào và 6 giải pháp về đầu ra như sau:
Thứ nhất, để đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải trả lời cho được câu hỏi từ bao lâu nay là “trồng cây gì, nuôi con gì” bằng cách đi sâu phân tích, xác định các cây trồng, vật nuôi mà Việt Nam có lợi thế so sánh kép về năng suất so với thế giới và về thu nhập cao cho người nông dân. So sánh năng suất 12 cây trồng, vật nuôi của Việt Nam với vùng có năng suất cao nhất của thế giới, ta thấy cá tra, tiêu, hạt điều và cà phê là 4 nông sản của Việt Nam hiện nay có lợi thế năng suất cao nhất so với thế giới (năng suất cao gấp từ 2 đến 3 lần năng suất bình quân của vùng có năng suất cao nhất thế giới). Còn về thu nhập trên 1 ha đất mang lại cho người nông dân so với thu nhập từ trồng lúa, ta thấy cà phê có thu nhập gấp 3,5 lần, tiêu gấp 15 lần và cá tra gấp 37 lần. Vì vậy có thể nói cây cà phê, cây tiêu và con cá tra là 3 nông sản mà hiện nay Việt Nam có lợi thế kép lớn cần được tiếp tục quy hoạch là 3 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đưa ra các giải pháp để mở rộng hơn nữa việc nuôi trồng và tiêu thụ các sản phẩm này phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế. Nhìn chung, khi quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, chúng ta cần chỉ rõ lợi thế kép của các cây, con này là như thế nào.
Giải pháp thứ hai về quy hoạch là đẩy nhanh quá trình nội địa hóa các yếu tố đầu vào cho nông nghiệp để vừa chủ động được khâu sản xuất vừa tăng thu nhập cho người Việt Nam. Hiện nay thu nhập hàng năm từ cá tra của nước ta vào khoảng 7.400 tỷ đồng trên diện tích 10.000 héc ta mặt nước, lớn hơn thu nhập của ngành chè và điều của nước ta (6.300 tỷ đồng). Trong khi đó, diện tích trồng chè và điều là 430.000 héc ta, gấp 43 lần diện tích nuôi cá tra. Trong nuôi cá tra chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ rất cao là 84%. Như vậy, nếu hình thành một ngành công nghiệp sản xuất thức ăn cho cá tra tại Việt Nam (công nghiệp phụ trợ trước người nông dân) thì sẽ đem lại cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn hàng năm khoảng 5.500 tỷ đồng doanh thu. Năm 2013, nước ta phải nhập khẩu 3 tỷ USD thức ăn gia súc, 2,2 triệu tấn ngô, trị giá 670 triệu USD và 1,4 triệu tấn đậu tương, trị giá 830 USD. Vì vậy, việc quy hoạch trồng ngô, đậu tương, và các cây, con có nhu cầu làm đầu vào cho nông nghiệp Việt Nam và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc và thức ăn cho các loại cá, tôm là cấp thiết hơn bao giờ hết, vừa làm giảm lệ thuộc vào nước ngoài, vừa tăng thu nhập cho nền kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở rà soát lại quy hoạch, xác định được các giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế kép cần tập trung đầu tư trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đầu vào chủ yếu (các khâu trước người nông dân) sau đây: Thứ nhất là phát triển các hình thức liên kết doanh nghiệp – nông dân để cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, các dịch vụ đầu vào chủ yếu cho sản xuất như tưới tiêu, giống, phân bón, dịch vụ làm đất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung, đào tạo, dạy nghề, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ kinh phí để các hộ nông dân trong một vùng trồng cùng một loại cây, kỹ thuật canh tác giống nhau, có thể trồng và thu hoạch cùng lúc.
Hai là, nông dân chủ động liên kết hình thành các hợp tác xã mà nông dân là xã viên góp vốn, góp đất để thực hiện sản xuất trên cánh đồng lớn và chủ động cung cấp các dịch vụ đầu vào cho tất cả các xã viên.
Ba là, đẩy mạnh việc tạo ra giống có chất lượng cao, chịu được mặn, chịu hạn, chịu bệnh. Ngoài 13 giống cây trồng, vật nuôi năng suất rất cao so với thế giới, nước ta còn có 11 loại cây khác năng suất tương đối thấp so với năng suất bình quân của thế giới như vừng, mía, ngô, chuối, cam, đậu tương, bông, dứa, khoai tây, dưa hấu và tỏi, nên nếu có chính sách phát huy tốt các trung tâm khoa học nông nghiệp trong cả nước thì có thể cải thiện năng suất các giống cây trên và tạo thêm nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao so với thế giới.
Bốn là, cần đổi mới công nghệ nuôi trồng và ứng dụng công nghệ mới để tạo năng suất cao như công nghệ tưới nước có đủ chất dinh dưỡng cho cây bằng phương pháp nhỏ giọt vào từng gốc cây mà Công ty Hoàng Anh Gia Lai đã áp dụng thành công công nghệ này đối với cây mía, đạt năng suất 120 tấn/ha, gấp 2 lần năng suất khi trồng và chăm sóc theo phương pháp thông thường. Năm là, giải quyết bài toán vốn cho nông nghiệp phù hợp với chu kỳ tăng trưởng và quy mô sử dụng vốn sẽ góp phần giúp cho nông nghiệp phát triển mạnh hơn.
Các khâu sau người nông dân (đầu ra) là hết sức quan trọng vì quá trình thu hoạch, lưu trữ, chế biến, tiêu thụ là các khâu trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng và mang lại cơ hội cải thiện thu nhập cho người nông dân nhưng lâu nay chưa có được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng thương lái thu lợi rất lớn trong khi người nông dân thường xuyên lâm vào cảnh "được mùa rớt giá". Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp đầu ra chủ yếu sau.
Thứ nhất là phát triển các hình thức bao tiêu sản phẩm qua doanh nghiệp như trường hợp điển hình của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang hợp đồng với nông dân hàng nghìn hécta trồng một loại giống, gieo cùng một ngày, chăm sóc cùng một công nghệ và thu hoạch cùng một thời gian và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hoặc mô hình thứ hai là chính người nông dân góp vốn để hình thành các hợp tác xã, lo "đầu ra" cho mình.
Hai là, để tránh rủi ro rớt giá mà người nông dân nước ta năm nào cũng phải đối mặt, cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các mô hình thí điểm mua bán tập trung như Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột (BCEC), sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE),... để có giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức các sàn giao dịch nông sản hàng hóa theo hướng áp dụng các phương thức giao dịch có tác dụng bảo hiểm giá cho người nông dân như các hợp đồng tương lai, quyền chọn.
Ba là, trên cơ sở tổng kết tình hình 3 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục các hạn chế, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện như phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm rộng, tính chất sản xuất nhỏ, manh mún, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, giám định, xác định thiệt hại, phòng chống trục lợi bảo hiểm,…
Bốn là, để không bị chính phủ nước ngoài đánh thuế bán phá giá chúng ta phải công khai cho quốc tế hiểu Việt Nam không có chủ trương và thực tế không bán phá giá. Hiện nay chi phí lao động bình quân 1 giờ Việt Nam khoảng 1USD, trong khi đó chi phí lao động của Mỹ là 35USD, Singapore - 24USD, Đài Loan - 9,5USD, Trung Quốc - 2,5USD và Philippines là 2,1USD. Nói một cách khác, chi phí lao động ta chưa bằng một nửa của Trung Quốc và Philippines, bằng 1/10 của Đài Loan, bằng 1/20 của Singapore và Hàn Quốc, bằng 1/30 của Mỹ và Đức. Do đó, phải làm rõ để các nước hiểu rằng không thể căn cứ vào chi phí thấp để đánh thuế bán phá giá đối với nông sản của Việt Nam. Vì vậy, những ngành nghề nào có nguy cơ bị kiện hoặc bị đánh thuế bán phá giá thì cần chủ động mời những nước quan tâm cử đại diện vào Việt Nam để họ đi khảo sát thực tế, họ thấy nhà nước ta không bù lỗ, không trợ giá cho nông nghiệp.
Năm là, cần triển khai quyết liệt hơn nữa các chính sách hỗ trợ người nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, quảng bá tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Sáu là, trong các chuỗi giá trị nông sản, việc đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn hạn chế nên giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao, do đó cần phát triển hệ thống kho bãi lưu trữ, vận chuyển, chính sách và cơ chế thu mua tạm trữ, phát triển công nghiệp chế biến nông sản.
Để thực hiện quan điểm của Bác Hồ kính yêu "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta luôn phải xem nông nghiệp là trụ cột kép để phát triển đất nước: Trụ cột về kinh tế để đem lại thu nhập khá cho khoảng 45% lao động cả nước và trụ cột về xã hội để đảm bảo an sinh xã hội và gìn giữ văn hóa dân tộc – văn hóa lúa nước và đánh cá.
Trên cơ sở phát huy các thành tựu ngành nông nghiệp đã đạt được trong gần 30 năm đổi mới, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặt biệt là tạo đột phá trong tổ chức kinh doanh ở khâu trước và sau nông dân, trong quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo được chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập bền vững cho người nông dân, làm cho phát triển của toàn ngành cao hơn và bền vững hơn. Quốc hội, nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ là người đồng hành và giám sát quá trình chuyển đổi đó của ngành nông nghiệp Việt Nam./.
Nguyễn Thiện Nhân
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Theo Chinhphu.vn
Tin mới
Geely Auto có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam
Ông Gan Jiayue đã báo cáo một số nét chính trong hoạt động của tập đoàn trên thế giới, đặc biệt là đã mua lại và hợp tác với nhiều nhãn hiệu ô tô nổi tiếng thế giới với các dòng xe xăng, xe điện, xe lai xăng điện…
Đề nghị truy tố cựu giám đốc, phó giám đốc sở...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố cựu Giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM, cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT TP. HCM, cùng 11 bị can...
Quảng Ninh miễn 100% học phí từ mầm non đến hết lớp 12 năm học 2024-2025
Đây là một trong những nội dung kỳ họp thứ 21 ngày 23/9 Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2025.
Hà Tĩnh: Thông xe tuyến Quốc lộ 8A sau sự cố sạt lở đất
Sau khi xảy ra sự cố sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 8A, tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng đã huy động máy móc, lực lượng để khắc phục. Sau nhiều giờ nỗ lực dời dọn đất đá sạt lở, đường Đường lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã thông xe trở lại.
Chuyến tàu chở thiết bị điện gió đầu tiên cập cảng Vũng Áng
Chuyến tàu chở thiết bị điện gió đầu tiên của dự án Điện gió Hải Anh - Quảng Trị cập cảng Vũng Áng có ý nghĩa lớn trong việc tối ưu tính lưỡng dụng, gắn liền với định hướng phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển ở Hà Tĩnh.
Công an Hải Dương đẩy nhanh thực hiện Đề án 06
Công an tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh thực hiện các nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững