THCL Sáng ngày 4.9, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đứng “bét bảng”, còn Bộ Giao thông Vận tải đứng đầu danh sách về chỉ số cải cách hành chính (CCHC).
So sánh chỉ số CCHC của các Bộ trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và giá trị tăng/giảm điểm số giữa các năm cho thấy, 7 Bộ có kết quả tăng đều qua 3 năm, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tăng 7,57 điểm); Bộ Tài nguyên và Môi trường (tăng 8,94 điểm); Bộ Nội vụ (tăng 5,67 điểm); Bộ Tài chính (tăng 4,51 điểm); Bộ Xây dựng (tăng 4,18 điểm); Bộ Giao thông Vận tải (tăng 1,25 điểm); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tăng 1,96 điểm). 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ có kết quả tăng và giảm không đều qua các năm. Trong đó, các Bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có kết quả giảm dần.
Trong số các bộ đứng ở vị trí cuối cùng về PAR INDEX 2014 là Bộ Khoa học và Công nghệ với kết quả là 71%, giảm 6,27% so với kết quả năm 2013. Bộ GD-ĐT xếp ở vị trí 18/19, là bộ có kết quả giảm điểm nhiều thứ 2 sau Bộ Khoa học công nghệ, tiếp đó là Bộ Y tế.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đây là năm thứ ba (từ năm 2012-2014) Bộ Nội vụ đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính thông qua công cụ đánh giá, đo lường và xếp hạng chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm 19 cơ quan) và 63 UBND các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư.
Mục tiêu của chương trình đánh giá chỉ số CCHC nhằm theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất và khách quan, công bằng kết quả việc triển khai cải cách hành chính hằng năm của các bộ, các tỉnh, thành. Thông qua chỉ số CCHC xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, các tỉnh; từ đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC.
Việc đánh giá chỉ số CCHC cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần; cấp tỉnh thành được xác định trên 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Phương pháp đánh giá được kết hợp giữa tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Đánh giá về kết quả chỉ số CCHC ở cấp Bộ, ông Trần Anh Tuấn cho biết với thang điểm 100, kết quả xác định chỉ số CCHC cấp bộ tập trung vào 2 nhóm điểm.
Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, gồm 5 Bộ, cơ quan ngang bộ là Bộ GTVT, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ. Nhóm thứ 2 đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 14 Bộ, cơ quan ngang bộ. “Theo kết quả này, Bộ GTVT xếp ở vị trí thứ nhất với kết quá 81,83%, xếp cuối cùng (ở vị trí 19/19) là Bộ Khoa học và Công nghệ với kết quả là 71%, giảm 6,27% so với kết quả năm 2013. Bộ GD-ĐT xếp ở vị trí 18/19, là bộ có kết quả giảm điểm nhiều thứ 2 sau Bộ KH-CN. Các Bộ Tài chính, KH-ĐT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng đã có nhiều kết quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành… nên đã có sự cải thiện vị trí xếp hạng đáng kể”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Đối với kết quả chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu Chỉ số CCHC năm 2014, đạt chỉ số 92,54% (đây cũng là lần đầu tiên có đạt chỉ số trên 90%), cao hơn mức trung bình của cả nước là 11,33%, đồng thời cao gấp 1,44 lần so với chỉ số CCHC năm 2014 của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh có vị trí cuối cùng trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Kết quả chỉ số CCHC 2014 được chia làm 4 nhóm điểm, trong đó nhóm thứ nhất đạt chỉ số trên 90%, bao gồm 3 thành phố là Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội. Nhóm thứ hai đạt chỉ số từ 80% đến dưới 90% gồm 41 tỉnh, thành; nhóm thứ 3 từ 70% đến dưới 80% gồm 15 tỉnh, thành. Nhóm cuối cùng có chỉ số CCHC dưới 70% bao gồm 4 tỉnh: Hà Nam, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Với kết quả này, có 56/63 tỉnh thành có kết quả chỉ số CCHC năm 2014 tăng hơn so với kết quả năm 2013. Riêng tỉnh Vĩnh Long là có kết quả giảm đều từ năm 2012 cho đến năm 2014.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của các bộ, cơ quan ngang bộ cũng như của các tỉnh, thành thì hiện vẫn tồn tại một số hạn chế mà các đơn vị cần được khắc phục trong thời gian tới.
Theo đó, một số Bộ, tỉnh vẫn chưa thực sự quan tâm đến triển khai các nội dung CCHC; chỉ số CCHC vẫn chưa được coi là công cụ trong quản lý công tác CCHC; việc phối hợp giữa các cơ quan tham mưu CCHC và các cơ qaun liên quan trong bộ, tỉnh chưa chặt chẽ, thường xuyên nên ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, thu thập số liệu…
“Một số bộ, tỉnh tự đánh giá chấm điểm thiếu chính xác nên sau khi rà soát, thẩm định đã có sự chênh lệch lớn giữa điểm tự chấm và điểm đánh giá của Bộ Nội vụ. Đồng thời, một số bộ, tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt nên kết quả triển khai chậm so với quy định, báo cáo tự đánh giá, chấm điểm sơ sài, không theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và thiếu các tài liệu kiểm chứng” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hoan Nguyễn (Thương hiệu & Công luận)