THCL Cử tri các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, TP. Vinh và TX. Cửa Lò (Nghệ An) liên tiếp phản ánh, kiến nghị tình trạng ô nhiễm môi trường từ các KCN trong Khu kinh tế Đông Nam chậm được khắc phục, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
DN gây ô nhiễm
Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị, khu kinh tế, KCN ở tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng. Trên địa bàn tỉnh có 4 KCN. Trong đó, tình trạng ô nhiễm ở KCN Bắc Vinh (xã Hưng Đông, TP. Vinh) và KCN Nam Cấm (Nghi Lộc) trở thành vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua. Điều đáng nói là hiện nay, một số nơi tại khu kinh tế, KCN vẫn chưa hoàn thiện khu xử lý chất thải, nước thải tập trung. Nhiều nhà máy, xí nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, lén lút xả thải ra môi trường, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở nơi đây luôn trong tình trạng báo động.
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, có tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong khu kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đây là vấn đề đã kéo dài, dù được giải quyết nhiều lần nhưng chưa dứt điểm. Trong đó, có một số “điểm nóng” tại KCN Bắc Vinh, gồm: Nhà máy bao bì Sabeco của Công ty CP Sabeco Sông Lam và Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Matrix Vinh; tại KCN Nam Cấm có Nhà máy điện tử BSE Việt Nam của Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam, Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải An, Nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An của Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy sản xuất ván nhân tạo của Công ty CP Tân Việt Trung.
KCN Bắc Vinh có tổng diện tích 60,16 ha, bao gồm 18 cơ sở hoạt động (hiện chỉ có 13 đơn vị đủ giấy phép hành nghề kinh doanh). Đây là KCN đầu tiên được xây dựng ở Nghệ An với mục đích thu hút các nhà đầu tư, đồng thời đưa các nhà máy sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nội đô. Đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng KCN Bắc Vinh lại không có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chính thức “thả nổi” vấn đề này suốt 7 năm qua. Nguyên nhân là: Theo kế hoạch phê duyệt, KCN Bắc Vinh được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 nằm ở phía bắc, bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ KCN. Do quá trình phát triển quy hoạch đô thị TP. Vinh có nhiều thay đổi nên dự án buộc phải có sự điều chỉnh và tạm thời bỏ ngỏ giai đoạn này. Hệ quả là đất đai, môi trường xung quanh bị “bức tử” nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân đóng trên địa bàn.
Còn nhiều bất cập
Vừa qua, 3 DN tại KCN Bắc Vinh bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt đến 130 triệu đồng vì các lỗi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường. Qua sự việc để thấy, không chỉ là bài học đối với các DN, mà các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng cần nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình...
Các DN bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt, gồm: Công ty TNHH MTV Tân Khánh An (sản xuất thuốc lá, bao bì), Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Vũ Huy (sản xuất kinh doanh phân bón), Công ty CP Minh Trí Vinh (may mặc). Với 2 Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Vũ Huy, Công ty CP Minh Trí Vinh, vì có tình tiết giảm nhẹ nên mức xử phạt là 10.000.000 đồng/1 công ty; riêng Công ty TNHH MTV Tân Khánh An, mức xử phạt là 110.000.000 đồng.
Qua đó cho thấy một thực tế là lâu nay, nhiều địa phương chỉ chú trọng đến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, tuy nhiên công tác thẩm định hồ sơ báo cáo tác động môi trường còn xem nhẹ. Bên cạnh đó, công tác thẩm định hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường ở hầu hết các địa phương chưa có chất lượng và việc hậu thẩm định bản cam kết bảo vệ môi trường của các DN cũng chưa được chú trọng.
Một bất cập nữa đó là thời gian qua, việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Mức xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, thì công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường thời gian qua còn yếu…
Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường đối với các KCN, CCN, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, chất thải.
Mạnh Hùng