Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 461 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 15.000 HTX tổ chức sáng ngày 18/8, tính đến hết tháng 6-2018, cả nước có 39 liên hiệp hợp tác xã và 12.596 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với thời điểm cuối năm 2017 tăng 17 liên hiệp, 908 hợp tác xã. Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã thành lập mới 1.143 hợp tác xã nông nghiệp (tốc độ tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017). Qua phân loại 9.266 hợp tác xã nông nghiệp năm 2017 cho thấy số hợp tác xã hoạt động tốt chỉ chiếm 12% (1.115 hợp tác xã), 34,3% hoạt động khá (3.178 hợp tác xã), 41,3% ở mức trung bình (3.830 hợp tác xã) và còn đến 12,4% hợp tác xã xếp loại yếu (1.143 hợp tác xã). So sánh giữa các vùng, Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp tốt và khá cao hơn trung bình cả nước (46%). Trong khi đó, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ là những vùng có hợp tác xã xếp loại yếu kém cao so với trung bình cả nước (12,4%).
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hiện nay là hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có những biểu hiện chạy theo thành tích, một số địa phương cố gắng thành lập hợp tác xã để đạt tiêu chí số 13 về nông thôn mới mà không quan tâm đến hiệu quả hoạt động của hợp tác xã sau thành lập. Một số hợp tác xã đăng ký lại hoạt động nhưng trong tình trạng “bình mới, rượu cũ” và có cả những hợp tác xã thành lập để trông đợi vào hỗ trợ từ phía chính sách của Nhà nước.
Nhiều HTX gặp khó, cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để mở rộng hoạt động, phát triển. Ảnh: T.L
Thống kê cụ thể, trong tổng số 8 phân vùng kinh tế, khu vực Đông Bắc có số lượng HTX ngừng hoạt động phải giải thể cao nhất, 175 HTX; tiếp theo là khu vực ĐBSH 147 HTX; thấp nhất là khu vực Bắc Trung Bộ với 10 HTX.
Việc tăng trưởng của các HTX chưa thực sự đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ quản lý có nhiều người cao tuổi, khả năng nắm bắt và tiếp cận thông tin thị trường chưa nhanh nhạy, kịp thời. Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất và chưa có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Vốn các HTX chuyển đổi nằm trong công nợ xã viên hoặc một số HTX không có tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện thế chấp để vay được vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
“HTX còn lúng túng chưa đề ra được những định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh khả thi”, ông Tấn cho hay. Còn ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cần có chính sách cụ thể hơn trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, tập trung nguồn lực xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điểm.
Theo đánh giá của ông Ma Quang Trung, đây là đề án quan trọng và hết sức cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ HTX khá, giỏi, gắn với nâng cao thu nhập của HTX và thành viên, góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo ông Trung, mục tiêu của đề án là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu kém để phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trong tổng số 7.200 HTX nông nghiệp yếu kém hiện nay. Thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 HTX làm ăn hiệu quả, ông Ma Quang Trung khẳng định, cần giải quyết nhiều khó khăn, trong đó có hai vấn đề cần tập trung tháo gỡ là vốn và công nghệ cao.
Theo TS Lê Đức Thịnh - Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong 4 năm (2012-2016) đã có 2.432 lượt HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của địa phương với số tiền 169,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quỹ chưa thực hiện được chức năng bảo lãnh cho HTX vay vốn nên số HTX tiếp cận hỗ trợ thông qua quỹ chưa nhiều.
Bởi vậy, TS Lê Đức Thịnh cho rằng, cần huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ có hiệu quả cho các HTX nông nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, để phát triển 15.000 HTX hiệu quả cần phải có khoảng 21.700 tỷ đồng (bình quân mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng). Kinh phí được huy động từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách khoảng 4.550 tỷ đồng, nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực khoảng 400 tỷ đồng, nguồn vốn chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế và phòng chống giảm nhẹ thiên tai khoảng 550 tỷ đồng và các nguồn vốn khác.
Hỗ trợ các HTX tiếp cận công nghệ cao cũng là một trong những giải pháp cần thực hiện. Theo ông Ma Quang Trung, hiện nay các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới chỉ chiếm 1%. Vì vậy, để đạt mục tiêu 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 (nâng tỷ lệ lên 10%) cần phải tập trung ưu tiên lựa chọn những HTX có thể áp dụng được công nghệ cao để có những chính sách ưu tiên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đến nay đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, bắt đầu có bước phát triển khởi sắc, đóng góp vào GDP 5,6%. Với đà phát triển hiện nay, có thể đạt được mục tiêu của năm 2020 là có 15.000 hợp tác xã.
Tuy nhiên, để có 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần có mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bởi trong điều kiện thị trường mất cân xứng, triệu người bán, vạn người mua, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt. Do vậy, “thành lập hợp tác xã là nhiệm vụ bắt buộc, là mệnh lệnh để thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Chính phủ, chủ thể vẫn là người nông dân, là đầu mối để đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, phát huy vai trò kinh tế hộ, tăng cường liên kết hợp tác xã với nông dân, các nhà khoa học”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN&PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Hải Đăng