Thông tin trên được đưa ra ngay sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo chấp thuận niêm yết bổ sung 242 triệu cổ phiếu VGC thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng.

Theo phương án thoái vốn được phê duyệt hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng sẽ bán cổ phần VGC với giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

Nếu thoái vốn Nhà nước thành công xuống 36%, HĐQT của VGC sẽ có 5 thành viên, trong đó có 2-3 thành viên đại diện cổ đông Nhà nước.

Bộ xây dựng thoái vốn tại VGC - Hình 1

Bộ xây dựng tiến hành thoái bớt vốn tại VGC

Về phía VGC, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra 29/6 sắp tới, VGC sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Công ty chủ trương triển khai hoàn tất các thủ tục trong quý IV/2018 để có thể thực hiện việc chuyển sàn.

Trong năm 2017, VGC ghi nhận tổng doanh thu 9.197 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 914 tỷ đồng. Công ty sẽ chi 426 tỷ đồng trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 9,5%.

Về kế hoạch cho năm 2018, VGC đặt mục tiêu lợi nhuận 950 tỷ ứng với doanh thu hợp nhất 9.100 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức duy trì ở mức 9,5% và vốn điều lệ cũng giữ nguyên 4.483,5 tỷ đồng.

Về công tác sắp xếp doanh nghiệp, VGC sẽ tăng vốn điều lệ tại CTCP Viglacera Hải Vân, CTCP Kính Viglacera Đáp Cầu, CTCP Sứ Viglacera Thanh Trì và CTCP Sứ Việt Trì Viglacera. Trong khi đó, VGC sẽ thoái toàn bộ vốn tại 6 CTCP và lập mới 6 công ty khác.

VGC cũng xin chủ trương hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh với Tập đoàn ROCA trong lĩnh vực sản xuất sứ vệ sinh – sen vòi bằng hình thức thành lập liên doanh.

Trên thị trường chứng khoán một tháng qua, cổ phiếu VGC giao dịch trong vùng giá 21.400-25.000 đồng/cp, thấp hơn so với mức giá tối thiểu mà Bộ Xây dựng sẽ thoái.

Bảo Ngọc T/h