THCL Kể từ hôm nay (1/10/2016), Bộ Tài chính thực hiện khoán kinh phí xe công theo Quyết định số 1997/QĐ-BTC quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh thuộc Bộ.
Bộ Tài chính “tiên phong” thực hiện khoán kinh phí xe công
Đối tượng áp dụng chế độ này là các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính; lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.
Mức khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày được được xác định bằng đơn giá khoán (đồng/km) nhân với số km khoán (km) nhân 2 lượt và nhân số ngày làm việc của tháng.
Trong đó: Đơn giá khoán được xác định theo mức giá của các hãng xe taxi (loại 4 chỗ ngồi) phổ biến trên thị trường; số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số lượt đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày 2 lượt (đi và về); số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ luật Lao động (22 ngày).
Cục Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài chính) sẽ xây dựng đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính để trình Bộ xem xét, phê duyệt.
Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện ổn định 12 tháng/lần tính từ thời điểm Bộ phê duyệt đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính.
Số tiền khoán kinh phí sử dụng xe được chi trả cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh thứ trưởng thực hiện khoán còn khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh thứ trưởng thực hiện khoán sẽ do đoàn xe của Văn phòng Bộ Tài chính xác định.
Các tổng cục và tương đương thực hiện xác định và chi trả số tiền khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cùng với kỳ trả lương cho các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc các tổng cục.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 1/10/2016. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Hiện nay, trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, tổng số xe công vào khoảng 37.000 xe (chưa kể xe an ninh - quốc phòng), trong đó có hơn 24.000 xe phục vụ công tác chung, xe phục vụ chức danh chỉ có khoảng 2.000 xe. Theo tính toán của đại diện Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), nếu thực hiện khoán xe với toàn bộ số xe phục vụ công tác chung trên cơ sở chi phí cho 1 km xe công với giá bình quân của xe taxi, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm chi được khoảng 1.500 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, đây là một việc làm đúng đắn để cụ thể hóa một chủ trương hợp lý, đặc biệt khi người đầu tiên nêu gương để thực hiện chính là Bộ Tài chính – cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý tài sản công.
“Việc khoán kinh phí sử dụng xe công trước mắt nhằm tiết kiệm trong sử dụng tài sản công nhưng nhìn rộng hơn, việc làm này nhằm thay đổi quan niệm cố hữu về cách thức cung cấp dịch vụ công.
Quyết định của Bộ Tài chính cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng hình thức tài chính, tức là thay việc cung cấp dịch vụ công bằng một khoản chi tiêu công”, ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, việc này sẽ tạo nên nền tảng để xây dựng hàng loạt chính sách mở rộng huy động dịch vụ công từ những đối tượng khác trong xã hội bằng cơ chế tài chính. Tính xa hơn nữa, hướng đi tiếp theo là không chỉ dừng lại ở dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà nữa, mà có thể mở rộng ra áp dụng thêm với các dịch vụ công khác nữa với yêu cầu tiên quyết là là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
“Dần dần, nếu việc thực hiện thành công tại Bộ Tài chính, có thể mở rộng áp dụng đối với tất cả đối tượng liên quan đến sử dụng xe công ở một mức độ nào đó, cũng có thể là tất cả các bộ, ngành, địa phương”, ông Ánh nhận định.
Hoan Nguyễn