Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị, địa phương có liên quan nghiên cứu nội dung, đề nghị của Bộ Y tế tại Công văn số 3832/BYT-ATTP, căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế để xem xét, xử lý, triển khai thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật hoặc báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Cụ thể, kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh; quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng.

Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng khi không hiểu rõ về sản phẩm; công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Công văn số 3832/BYT-ATTP ngày 06/7/2024 của Bộ Y tế gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu hiện trạng về việc các trang mạng xã hội, một số phương tiện truyền hình, truyền thanh đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 4286/VPCP-KGVX ngày 20/06/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Thông báo số: 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và Thông báo số: 16/TB-VPCP ngày 17/01/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn, thực hiện Công văn số: 4318/BYT-ATTP ngày 10/7/2023 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. 

Chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương: quản lý nội dung trong các Chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng; Khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm…

Trúc Diệu – Chiến Phạm