Tiếp nhận phản ánh của bạn đọc, phóng viên (PV) cũng đã có những ghi nhận thực tế về vấn đề này. Cụ thể, tại một số cửa hàng trên đường Chùa Bộc nhiều hàng hóa mỹ phẩm được bày bán trang trí khá là đẹp mắt với nhiều chủng loại, nhân viên bán hàng cũng có giới thiệu các dòng mỹ phẩm đến từ nhiều nước khác nhau và giới thiệu có cả hàng xách tay và hàng chính hãng. Khi được hỏi về sản phẩm sữa tắm thì nhân viên ở cửa hàng đã giới thiệu cho PV 1 loạt sản phẩm để lựa chọn điển hình có Sữa tắm cá ngựa Algemarin 300ml, Sữa tắm Xích Tesori D’Oriente có giá 150,000 đồng, sữa tắm White Conc Body có giá 330.000 đồng.

 Theo quan sát, 3 sản phẩm trên đều không có nhãn phụ, toàn bộ thông tin trên sản phẩm được thể hiện bằng tiếng nước ngoài với nhiều thứ tiếng khác nhau. Theo nhân viên của cửa hàng thì những sản phẩm này là hàng xách tay nên không có tiếng Việt. Khi PV thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này, thì nhân viên ở đây cho biết những sản phẩm này là của Nhật Bản, Ý…

Không những thế nhiều sản phẩm kem chống nắng như Innisfree perfect UV với giá bán 245.000 đồng cũng đều được giới thiệu là hàng xách tay và không có tiếng Việt.

Chị H. (Cầu Giấy) một khách hàng ruột của cửa hàng này cho biết “Mình hay mua hàng tại shop đường Cầu Giấy và thấy nhiều sản phẩm mỹ phẩm không hề có nhãn mác Tiếng Việt nên nhiều khi mua cái gì cũng đều phải quay ra hỏi nhân viên bán hàng về công dụng và cách dùng của sản phẩm. Hỏi nhân viên thì họ bảo đây là hàng chính hãng.”

Cũng tại đây, theo quan sát của PV thì rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm ở đây không có nhãn phụ tiếng Việt và được nhân viên tư vấn là hàng chính hãng???

Bán hàng Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc? - Hình 1

Sản phẩm nước tẩy trang Garnier  được bày bán trên kệ cũng không hề có nhãn mác phụ tiếng Việt

Ngay như nhiều sản phẩm được để trên kệ là sản phẩm nước tẩy trang Garnier có giá 195.000 đồng, nhiều sản phẩm kem trị sẹo Nga Klirvin có giá 95.000 đồng được giới thiệu trên fanpage chính thức từ năm 2015 với dòng quảng cáo “Kem trị thâm, rạn trị sẹo lồi, lõm, do mụn và vết thương Klirvin của Nga” và nhiều sản phẩm sửa rửa mặt theo quan sát của PV những sản phẩm nêu trên đều không có nhãn mác phụ. Ngay cả việc muốn tìm hiểu thông tin, cách dùng sản phẩm đều phải hỏi nhân viên bán hàng, khách hàng chỉ có thể nghe theo lời tư vấn của nhân viên mà biết về công dụng của sản phẩm.

Khi PV có thắc mắc việc nhiều sản phẩm ở cửa hàng đều không có nhãn phụ tiếng Việt, khách hàng thì không hiểu tiếng nước ngoài thì phải làm như nào. Một cô nhân viên tên T. cho biết: “Chị có thể đọc thông tin trên mạng, mà khách hàng khi mua thường biết về sản phẩm đấy rồi với cả bọn em (nhân viên) tư vấn cho khách hàng nữa ạ. Bởi vì hàng nhà em đa số là hàng xách tay, một số là hàng công ty thì có phụ đề tiếng Việt”.

Ngoài ra, theo quảng cáo trên website một số Shop hiện đang là đại lý chính thức của một loạt thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới như: Nivea, Shiseido, Lancôme và có 5 cửa hàng chính thức tại những đường lớn tại Hà Nội.

Bán hàng Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc? - Hình 2

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm, công thức uống trên kệ tại cửa hàng Shop không có nhãn phụ tiếng Việt khiến NTD hoang mang

Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm được bày bán trong hệ thống Shop lại không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định của pháp luật. Vậy, chỉ với những lời tư vấn của nhân viên cửa hàng rằng đây là hàng xách tay từ các nước Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc… khách hàng có thể an tâm về những sản phẩm mà mình đã mua. Dư luận, có quyền đặt dấu hỏi về chất lượng thực sự của những sản phẩm này. Liệu đây có phải là hàng giả hay không(!?) Trong khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng mỹ phẩm nói riêng đang là thực tráng đáng quan ngại ở Việt Nam hiện nay.

Và người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng dởm, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Và khi có sự cố xảy ra, thì tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?

Một vấn đề cũng được đặt ra là, bằng cách nào đó mà các mặt hàng không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của pháp luật vẫn được lưu hành và bày bán công khai trên thị trường? Cơ quan Quản lý thị trường ở đâu khi mà những sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trong cửa hàng mà không bị phát hiện, xử lý?

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có ý kiến từ cơ quan chức năng.

Nhóm phóng viên

Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi, qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy - Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 Email: [email protected]