Trước thực trạng nêu trên, dư luận không khỏi thắc mắc: Liệu Cục Quản lý thị trường TP. HCM có thực hiện triệt để công tác quản lý theo thẩm quyền? Bởi, mỗi khu vực này đều có sự quản lý, giám sát của các Đội Quản lý thị trường, trực thuộc Cục Quản lý thị trường TP. HCM.
Từng “điểm đen” được “chỉ mặt, đặt tên”
Với mục đích tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận kinh tế của các cơ quan chức năng TP. HCM tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; Lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy không đáng có cho người dân địa phương và xã hội…
Tháng 4/2022, Thương hiệu và Công luận (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam - 789 game tài xỉu đổi tiền that ), đã đăng tải loạt bài viết, gồm:
Bài 1: Các cơ quan chức năng tại TP. HCM phòng chống hàng giả, hàng nhái như thế nào?
Bài 2: Hàng loạt cửa hàng tại TP. HCM bán rượu ngoại không nhãn phụ, mập mờ về nguồn gốc?
Bài 3: Sữa hộp nhập khẩu “nhiều không” bày bán trên các tuyến phố tại TP. HCM
Bài 4: Nhiều đại lý tại TP. HCM bán ghế massage Shika nhập khẩu không có tem nhãn phụ
Bài 5: Đồng hồ, kính mắt nhái hàng hiệu công khai bày bán trên nhiều tuyến phố tại TP. HCM
Bài 6: Chợ Bến Thành, Saigon Square công khai bày bán các mặt hàng nhái thương hiệu
Tại loạt bài viết này, Thương hiệu và Công luận đã “chỉ mặt” nhiều “điểm đen” đang kinh doanh các loại các loại quần áo, giày, dép nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Louis Vuitton - LV, Gucci, Lascote…, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, như: Số C4/24 Phạm Hùng, cửa hàng thời trang nam Thành Nhân trên đường Phạm Hùng (Bình Chánh); cửa hàng giày Street Style số 185 Võ Văn Ngân, Shop thời trang trẻ - Men số 227 Võ Văn Ngân; cửa hàng giày dép số 138 Kha Vạn Cân (TP. Thủ Đức); các chuỗi cửa hàng giày dép số 219, 221, 223… đường Lý Chính Thắng (quận 3); hàng loạt các ki-ốt bày bán đồ thể thao trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1).
Các loại túi xách, ví da nhái thương hiệu lớn, nước hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được các tiểu thương bày bán công khai tại chợ Bến Thành, và thậm chí là ngay tại “thiên đường mua sắm” - Trung tâm mua sắm Saigon Square, 77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM.
Ngoài ra, các loại đồng hồ nhái thương hiệu Patek Philippe, Cartier, Rolex, Omega... đang được bày bán công khai tại các cửa hàng như: Thiên Phú (22 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp), Ngọc Hân (18 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp), đồng hồ Phương (20 Nguyễn Oanh, phường 7, quận Gò Vấp), chợ Thủ Đức…
Các loại kính mắt nhái thương hiệu Gucci, Dior, RayBan... được bày bán công khai tại cửa hàng Mắt kính Thái Việt Anh (địa chỉ 575 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp), mắt kính Việt Tiến (địa chỉ 398 Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh), cửa hàng mắt kính Điện Biên Phủ (địa chỉ 355Đ Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh), và tại nhiều sạp hàng, ki-ốt lớn nhỏ tại chợ Hạnh Thông Tây, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Bà Chiểu.
Đối với các loại sữa hộp xách tay, nhập khẩu không rõ nguồn gốc, vi phạm những quy định về nhãn mác sản phẩm theo quy định, thì được bày bán tại các cửa hàng: Nguyễn Mười số 01 Nguyễn Thông, Thanh Uyên số 55 Bis A Nguyễn Thông (quận 3), Đồ sơ sinh Ếch Cốm (số 164 Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh).
Và hàng loạt sản phẩm rượu ngoại, rượu xách tay như: MACCALLAN, CHIVAS, ABSOLUT VODKA, JOSE CUERVO, BALLANTINE’S… và các loại rượu vang nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt (ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, đơn vị nhập khẩu, phân phố) theo quy định được bày bán tại các cửa hàng như: Wine Shop (233 Đinh Tiên Hoàng, quận 1), Wines & Foods (trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh), Thế giới rượu (411B Nguyễn Tri Phương, quận 10), Thế giới rượu, (253, Nguyễn Tri Phương, quận 10), Ánh Linh (46C, Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận), Phương Trang (66 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) và WineMart (140 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận).
Các loại ghế massage Shika nhập khẩu không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định, mập mờ về nguồn gốc được bày bán tại các cửa hàng như: 53b Nguyễn Thông (quận 3), 16 Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp)…
Cục Quản lý thị trường TP. HCM... “im lặng”?
Sau quá trình ghi nhận thực tế nhiều ngày, đăng tải loạt bài viết phản ánh thực tế, nêu rõ những “điểm đen” đang công khai kinh doanh các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm những quy định của pháp luật, cuối tháng 4/2022 phóng viên Thương hiệu và Công luận đã đặt lịch làm việc với Cục Quản lý thị trường TP. HCM để làm rõ về công tác quản lý theo thẩm quyền, quy trình xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh hàng hóa. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Điều đáng nói, Khi mà Cục Quản lý thị trường TP. HCM và nhiều cơ quan có liên quan vẫn còn “im lặng”, thì ngoài kia các loại hàng giả, hàng nhái thương hiệu, không rõ nguồn gốc, hàng nhập khẩu vi phạm quy định về nhãn mác sản phẩm vẫn công khai bày bán, xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng tới những thương hiệu kinh doanh đúng quy định của pháp luật, khiến ngân sách nhà nước bị thất thoát từng ngày…
Đơn cử, sau gần một năm Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài phản ánh, thì theo ghi nhận của phóng viên (nhiều ngày trong tháng 2/2023) các loại sữa nhập khẩu không rõ ngồn gốc, không có tem nhãn phụ vẫn công khai bày bán trên đường Nguyễn Thông (quận 3).
Các loại rượu nhập khẩu, rượu xách tay không dán tem nhãn phụ theo quy định vẫn được các cửa hàng cửa hàng WineMart 97 đường D1, KDC Him Lam (phường Tân Hưng, quận 7); WineMart 140 Nguyễn Văn Trỗi (phường 8, quận Phú Nhuận); WineMart 601 Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1) công khai bày bán.
Còn các loại giày dép, túi xách, dây lưng, ví da, kính mắt, đồng hồ… nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan tại chợ Bến Thành, tại trung tâm thương mại Saigon Square và trên nhiều tuyến phố thuộc địa bàn TP. HCM.
Trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Vì sao Cục Quản lý thị trường TP. HCM không vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những “điểm đen” nêu trên (dù đã được Thương hiệu và Công luận “chỉ mặt”)? Liệu Cục Quản lý thị trường TP. HCM có thực hiện triệt để công tác quản lý theo thẩm quyền? Bởi, mỗi khu vực này đều có sự quản lý, giám sát của các Đội Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP. HCM và nhiều cơ quan có liên quan khác?
Gần một năm không cung cấp thông tin cho báo chí
Khoản 1, Khoản 5, Điều 38 Luật Báo chí đã quy định rõ: “Thứ nhất, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Thứ hai, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường”.
Điều 39 Luật Báo chí cũng quy định về việc trả lời trên báo chí: “Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết…”.
Ngoài ra, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định rất rõ về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Quy định là vậy, tuy nhiên không hiểu là “vô tình, hay cố ý”, mà sau khi phóng viên Thương hiệu và Công luận liên hệ, cung cấp thông tin, đặt lịch làm việc theo đúng quy trình, quy định, nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua, nhưng phía Cục Quản lý thị trường TP. HCM vẫn “bạt vô âm tín”, không hề có bất cứ một thông tin phản hồi nào?
Việc làm nêu trên của Cục Quản lý thị trường TP. HCM đang vi phạm nghiêm trọng những quy định của Luật Báo chí. Cụ thể là tại Điều 39 Luật Báo chí, quy định về việc trả lời trên báo chí.
Được biết, trụ sở của Cục Quản lý thị trường TP. HCM có địa chỉ tại số 242 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. HCM là ông Trương Văn Ba.
Mới đây, Hội đồng kỷ luật Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. HCM, và phê bình nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng do ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP. HCM, Ban Chỉ đạo 389 TP. HCM và các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những nội dung mà Thương hiệu và Công luận phản ánh. Đồng thời, cần có hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm những quy định của pháp luật công khai hoạt động suốt những năm qua.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin đến bạn đọc về thực trạng các loại hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật đang được công khai bán ra thị trường tại TP. HCM ở các bài tiếp theo.
Nguyễn Trung – Nguyễn Tùng