Ngày 20/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị thường kỳ tháng 9 năm 2023. Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì. Dự hội nghị có các đồng chí: Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, một số huyện, thành phố.
Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh Bắc Giang năm 2022 đạt 42,1%, đứng thứ 3 cả nước sau Bắc Ninh và Thái Nguyên. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh, năng lực sản xuất của ngành được mở rộng với nhiều sản phẩm mới; lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện, ổn định. Các hoạt động về thương mại dịch vụ tăng khá. Tổng thu ngân sách đến hết ngày 18/9 là 9.233 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, đến ngày 15/9, toàn tỉnh đã thu hút đạt 2.013,6 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 1,86 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Toàn tỉnh có 1.604 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41% so với cùng kỳ, vốn đăng ký là 21.995 tỷ đồng. Lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên môi trường của tỉnh có nhiều cố gắng. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quy mô lớn của tỉnh được tổ chức thành công. Chất lượng giáo dục, y tế của Bắc Giang được duy trì. Tình hình lao động, việc làm của tỉnh được cải thiện; an sinh xã hội bảo đảm. Cải cách hành chính, chuyển đổi số của Bắc Giang tiếp tục đạt được kết quả tích cực; hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.
Tuy nhiên các ngành sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng trưởng không đồng đều, một số ngành như: May mặc, khai thác, hóa chất, các công ty nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án; một số dự án lớn tiến độ thực hiện còn chậm.
Hoạt động xuất, nhập khẩu của Bắc Giang có xu hướng chậm lại. Đóng góp của các doanh nghiệp cho tỉnh chưa tương xứng với số vốn đầu tư đăng ký, những ưu đãi, quan tâm tạo điều kiện của tỉnh. Tiến độ thu ngân sách ở một số địa phương còn chậm, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet còn xảy ra nhiều, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân…
Tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành phân tích làm rõ thêm tình hình phát triển KT-XH 9 tháng năm 2023, chỉ ra những hạn chế. Dự báo trong 3 tháng cuối năm 2023, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tỉnh đặc biệt là công nghiệp, xây dựng, xuất nhập khẩu. Các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao...
Đồng chí Lê Ánh Dương yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, tranh thủ thời cơ, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Trong đó, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện như: Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 14,5%; tăng cường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, tạo động lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Tập trung cao chỉ đạo thực hiện thu tiền sử dụng đất, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương mở rộng TP Bắc Giang, thành lập thị xã Việt Yên, thị xã Chũ, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Bắc Giang Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, nhất là tài nguyên, môi trường, khoáng sản, xây dựng; hoàn tất các thủ tục trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ cho ý kiến giải quyết những vướng mắc về chính sách đất dịch vụ.
Bắc Giang chuẩn bị tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I ngày 17/10 (1963-2023); xây dựng kế hoạch triển khai Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh năm 2024, kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế; phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương hoàn tất các thủ tục trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến đơn thư, khiếu nại tố cáo của người dân; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, biểu quyết nhất trí thông qua 19 dự thảo báo cáo, đề nghị xây dựng nghị quyết, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; dự thảo nghị quyết, kế hoạch, quyết định… thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, có nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri như: Đề nghị xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Quy định về quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; kế hoạch tinh giản biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2026.
Cùng đó là quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000; điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000; dự thảo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử"; dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Bá Đoàn