Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến nay, toàn tỉnh có 37 mã vùng trồng xuất khẩu và 60 mã vùng trồng tiêu thụ nội địa.

Trong số 37 mã vùng trồng xuất khẩu hiện có chủ yếu là nhãn, chuối, sầu riêng, bưởi, thanh long được cấp mã số, với diện tích 919,3 ha, sản lượng gần 21.320 tấn và 3 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng và được cấp 60 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa, với tổng diện tích hơn 162,67 ha, trên các loại cây: lúa, rau các loại, ca cao, tiêu, nhãn xuồng, mãng cầu, măng cụt, sầu riêng, khoai môn, khoai mài.

Bưởi da xanh ở 4 vùng trồng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Mỹ.
Bưởi da xanh ở 4 vùng trồng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Mỹ.

“Tỉnh đang chờ phê duyệt 23 mã số vùng trồng trên cây bưởi, sầu riêng, nhãn, cam quýt, chuối, tiêu và 4 mã cơ sở đóng gói đi thị trường Trung Quốc cũng đang chờ phê duyệt”, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc xây dựng mã số vùng trồng đối với các loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh nhằm xây dựng hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản. Do đó, ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để tạo ra số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Mục tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ dừng lại ở việc duy trì và nhân rộng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực xuất khẩu với một quy trình chặt chẽ từ trồng, chăm sóc, kiểm dịch thực vật…, mà ý nghĩa lớn hơn là tỉnh xây dựng được hình ảnh minh bạch, trách nhiệm về nông sản.

Theo ông Nguyễn Chí Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngoài áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, thời gian tới ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Minh An(t/h)