Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân) phổ biến, tập huấn lại cho nhân viên y tế về Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên, ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu (nếu có), tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng.
Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh.
Phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn, nhất là tại các nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Giám sát thường xuyên, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu; rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp phòng, chống.
Đồng thời, giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và thường xuyên khuyến cáo phòng bệnh cho người dân.
Tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý các tin/bài viết/video có nội dung thông tin xấu, độc hại, sai sự thật...
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 9460/UBND-VP ngày 10/7/2024 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa hè.
Ngoài ra, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn các tổ chức thành viên chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và chính quyền địa phương các cấp triển khai các giải pháp tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Thuận Yến (t/h)