“Bà mối” & nỗi niềm trăn trở nâng tầm nông sản Việt
Đã qua rồi cái thời hoa quả Việt chỉ khi được các doanh nghiệp nước ngoài bảo quản, đóng gói, dán tem phiếu bán bên “trời Tây” mới được mức giá khó tưởng tượng. Hiện nay, ở trong nước, đã có những đơn vị phân phối hoa quả Việt với giá cả cao cấp mà không đủ hàng để bán tại thị trường trong nước…
Trái vải: Sao giá đắt thế?
Hơn nửa năm sau cuộc phỏng vấn trên số Tân Xuân - Thương hiệu & Công luận, chúng tôi mới có dịp ngồi lại với chị - nữ CEO bất động sản tay ngang “bén duyên” với nghề nông sản mà chúng tôi vẫn hay nói vui là “bà mối” nông sản.
Chị là Trần Thị Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô (Khim Food).
Gặp chị Thu Hiền vào một sáng thứ 2 đầu tuần giữa nhịp sống hối hả, tất bật của một sớm Hà Nội. Chị xuất hiện trước mặt tôi, vẫn với thần thái ấy, bận bộ cánh trắng, khuôn mặt rạng ngời, nhưng đôi chân lại là một đôi giày da đế thấp…
Chị phân bua:
“Trên văn phòng công ty, ồn ào quá, mọi người tất bật cho những đơn hàng đầu tháng, vì thế, phải hẹn gặp các nữ nhà báo bên ngoài cho có không gian để chị em trao đổi”.
Và rồi những câu chuyện cứ thế tuôn chảy bên cốc cà phê sáng …
Chị Thu Hiền tâm sự:
Bên công ty chị vừa “chạy” xong vụ vải trứng đến từ Hưng Yên và vải ngọc không hạt đến từ huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) – thức quả mới nghe tên đã gợi sự lạ lẫm với nhiều người dân Việt. Đơn giản bởi, nhắc đến loại trái này, người ta chỉ biết đến tại vùng đất Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang).
Cứ thế, theo lời tâm sự, bộc bạch của chị Thu Hiền, chúng tôi được đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác: Từ chuyện trái vải to hơn quả trứng gà, chỉ 18 - 23 quả/kg, đến trái vải chỉ toàn cùi thịt thơm ngon, béo ngậy, mà hạt thì tiêu biến mất…
Điều đặc biệt đó là giá bán của 2 loại vải này lên tới mấy trăm nghìn đồng/kg (bằng giá cả hơn chục yến vải thông thường cộng lại), nhưng vẫn chẳng đủ hàng để bán. Và rằng “dù vụ vải đã kết thúc gần 1 tháng nay, nhưng vẫn có rất nhiều khách gọi điện tới Công ty CP Đầu tư Tân Việt Hưng Thủ Đô để hỏi mua thêm 2 loại vải đặc biệt này”.
Có thể trái cây nhập khẩu, người ta mua với giá cả vài trăm tới hơn triệu đồng/kg thấy bình thường; nhưng với hoa quả trong nước, thì lại là câu hỏi thắc mắc về giá?
Liên quan giá quả vải trứng và quả vải không hạt, dù không xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trong nước, thì vẫn được giá “hàng trăm ngàn” - nhưng vẫn chẳng đủ để bán, chị Thu Hiền lý giải:
“Ví như trái sầu riêng, hiện tại, có giá gần 200.000 đồng/kg; tính ra một trái - có giá vài trăm nghìn đồng.
Quả vải trứng và quả vải không hạt, không phải tự dưng có sự khác biệt, đối với vải trứng, sẽ rất to, thơm ngon đặc biệt. Khi khách hàng mở hộp vải ra, đã thấy sự khác biệt; nếu chúng ta đặt hộp vải ở trong phòng, mùi thơm đặc trưng của vải trứng sẽ lan tỏa khắp phòng.
Khi công ty chúng tôi phân phối sản phẩm trên, vẫn đùa vui với nhau “đi từ xa đã ngửi thấy mùi thơm của vải trứng”.
Với vải không hạt, khi chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt thanh mát. Ưu điểm của giống vải này là được trồng theo tiêu chuẩn cải tiến nên có tỷ lệ đường thấp, chứa đường đơn, vì thế phù hợp cho người tiểu đường ăn kiêng, trong khi vi lượng gấp 3 lần vải bình thường.
Cùng là quả vải do Khim Food phân phối; song, vải trứng và vải không hạt lại có mùi thơm khác nhau, vì khác nhau về giống, thổ nhưỡng vùng trồng”.
Trái vải “đỏng đảnh, khó chăm”!
Hưng Yên là vùng đất nhãn lồng ngon nức tiếng. Nhưng, ít ai biết rằng, tại vùng đất nhãn được thiên nhiên ưu ái phù sa màu mỡ với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt này, vẫn cho ra một giống vải vô cùng đặc biệt – vải trứng.
Vải trứng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; Sở KH&CN chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2020. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thị trường tiêu dùng trong nước vẫn gần như vắng bóng loại quả này, nguyên nhân do sản lượng hàng năm rất thấp.
Chị Thu Hiền bộc bạch:
“Diện tích trồng vải trứng tại Hưng Yên chỉ hơn 250 ha. Cả vụ vừa rồi, một xã chỉ thu hoạch được hơn 100 tấn vải (nếu có rủi ro về thời tiết, thì chưa chắc đã thu hoạch được, mỗi cành chỉ ra được một trái, tỷ lệ thụ phấn và cho quả rất thấp), các bác bên HTX nói vui “quả vải này rất đỏng đảnh, khó chăm”!
Trong vô vàn loại trái cây ngon Việt Nam, Công ty Khim Food lựa chọn phân phối vải trứng và vải không hạt, vì thời gian thu hoạch 2 loại quả này gần nhau và lý do đặc biệt là bởi chúng quá đặc sắc!
Chúng tôi muốn quảng bá để người tiêu dùng Việt được thưởng thức những thức quả độc lạ của quê hương, đất nước.
Trước giờ, nhắc đến vải trứng Hưng Yên, những người biết đến sản phẩm thường mua loại quả này để biếu, tặng về tận vườn mua đã không đủ.
Về sau, có một số HTX đã nhân giống duy trì và phát triển vải trứng (những năm vừa rồi cũng đã có thu hoạch), nhưng chất lượng quả ở mỗi vùng và ở mỗi tuổi cây cũng khác nhau; “Thực tế, cây vải phải có tuổi 5 - 7 năm trở lên, thì mới cho chất lượng quả ổn định, những cây vải cổ cao niên thì có chất lượng và hương vị đặc sắc”, chị Thu Hiền nói.
Chị Thu Hiền bảo, khi thưởng thức trái vải trứng, các bác chủ nhiệm HTX ở Hưng Yên nói vui:
“Vị vải ngọt thanh, nhưng lại ít đường, ăn không sợ bị tiểu đường”.
“Vải trứng, có khách hàng ăn, biết vị ngon rồi đến cuối vụ còn đặt mua cả chục ký, cất ăn dần”.
“Có những khách hàng thì nói “đã ăn trái vải này rồi bị làm “hư” miệng, ăn trái vải nào khác cũng thấy không ưng…”.
Chị Thu Hiền chia sẻ:
“Một giống vải quý, ngon như vậy mà không được quảng bá rộng rãi, thì dần dần các HTX trồng vải trứng sẽ thu hẹp diện tích, hoặc phá bỏ, chuyển qua trồng loại cây khác, thì thật lãng phí.
Trong suy nghĩ của tôi, khi đồng hành – xúc tiến các loại trái cây ngon, đặc sản, chỉ với một mong muốn đó là nhiều người được thưởng thức, bởi không phải cứ hoa quả xuất xứ trời Tây mới là ngon; tại Việt Nam, có rất nhiều hoa quả ngon và độc lạ, mang đặc trưng vùng, miền.
Mặt khác, chúng tôi cũng mong muốn, những vùng có đặc sản ngon như Hưng Yên - được phát triển mở rộng vùng trồng, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ”.
Từ trang trại tới bàn ăn…
Nhiều năm gắn bó với nông sản Việt, phát triển và phân phối các dòng sản phẩm quà tặng từ nông sản cao cấp, liên kết hỗ trợ các HTX đưa nông sản vào chuỗi bán lẻ, siêu thị..., nhưng 2023 là năm đầu tiên, Khim Food lựa chọn trực tiếp bán các sản phẩm từ nông sản tươi với vải Trứng từ Hưng Yên và vải Ngọc không hạt, vải ngọc lai trứng từ Thanh Hóa.
Đây cũng là năm đầu tiên, các sản phẩm nông sản đặc biệt này xuất hiện rộng rãi trên thị trường, được biết đến nhiều hơn bởi người tiêu dùng.
CEO Khim Food cho rằng, những thức quả đặc biệt đó cho mùa vụ thu hoạch quá ngắn, sản lượng không nhiều, do đó, giới thiệu bán qua các kênh trực tiếp là cách nhanh nhất để quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Chị Thu Hiền bày tỏ:
“Khi có cách làm đúng để tiêu thụ sản phẩm, được người tiêu dùng đón nhận - sẽ là cơ hội để gia tăng sản lượng cho những nông sản giá trị cao, nổi tiếng của từng vùng như vải trứng. Thực hiện tốt khâu tiêu thụ sản phẩm, sẽ giúp bà con nông dân, các HTX trồng cây ăn quả có niềm tin vào thị trường để tăng gia sản xuất, phát triển những sản vật quý của địa phương trong những mùa vụ tiếp theo.
“Duy nhất có một điều khiến tôi nuối tiếc đó là ở khâu chế biến sau thu hoạch, khi vải chín và người nông dân thu hái hàng loạt, dẫu mình có làm tốt đến mấy, thì thời gian thu hoạch cũng chỉ được trong một khoảng thời gian ngắn. Cho đến thời điểm hiện tại, dù mùa vải trứng đã kết thúc nhiều ngày, khách hàng vẫn liên hệ nhà phân phối hỏi “có còn vải trứng hay không?”!
Mỗi loại quả lại có cách thức thu hoạch khác nhau. Ví như vải ngọc hữu cơ không hạt, dù nắng hay mưa, vẫn có thể thu hoạch được; nhưng vải trứng, trong điều kiện thời tiết mưa, sẽ phải lưu ý rất kỹ, thậm chí không thể thu hoạch, do lo ngại có thể ảnh hưởng đến chất lượng quả.
Trong quá trình bảo quản trái vải, đến tay người tiêu dùng, cần hết sức cẩn thận với những quy định khắt khe. Nếu như vải ngọc trồng hữu cơ, được bảo quản lạnh; thì vải trứng, bảo quản lại vất vả hơn nhiều (không được bật quạt để điều hòa, dễ khiến quả vải khô, sẫm màu, mất đi sự tươi ngon).
Khâu đóng gói vào hộp, vải trứng cần phải có lớp lót, lớp giấy, để hơi ẩm không làm khô trái, ảnh hưởng đến chất lượng…”.
Là người nhiều năm gắn bó với sản phẩm nông sản cao cấp, CEO Khim Food rất chú trọng đến bao bì, mẫu mã. Những sản phẩm nông sản giá trị cao như vải trứng, vải ngọc… được Khim Food chuẩn bị kỹ lưỡng về thức đựng với những hộp quà đặc biệt - thuận tiện để khách hàng mang đi biếu tặng.
Chị Thu Hiền cho biết:
“Vì chất lượng quả vải đặc biệt nên chúng tôi rất chú trọng khâu thiết kế bao bì, để sao cho phù hợp với khách hàng, sử dụng vào những mục đích khác nhau. Tùy vào mục đích và số lượng khách hàng mua, chúng tôi sẽ có những bao bì - loại hộp đóng gói phù hợp.
Ví dụ, vải trứng - trái quả đắt tiền, vì mỗi cành chỉ ra được một quả, sẽ có từng cành rời ra, vì thế, khi đóng gói, chúng tôi sẽ cắt đủ để khách bóc quả vải không bị đau tay; đồng thời chúng tôi sẽ đóng vào hộp để thuận tiện cho nhu cầu của khách hàng dâng lễ, biếu tặng, cất trữ tủ lạnh… phục vụ nhu cầu ngày càng phát triển của thực khách là từ trang trại tới bàn ăn.
Để đưa được những loại trái cây đặc sản, thơm ngon hiếm có của các địa phương ra ngoài thị trường, cũng đặc biệt không kém. Đó là cả hành trình dài, tận tâm, tận tụy, bao vất vả từ khâu thu hoạch, bảo quản… đến vận chuyển, phân phối đưa sản phẩm tới người tiêu dùng”.
Trăn trở cùng người nông dân
Chưa hết cái sự tất bật của vụ vải trứng Hưng Yên và vải ngọc không hạt Thanh Hóa, cán bộ, nhân viên Công ty Khim Food lại bận rộn cùng bà con nông dân Hưng Yên bước vào vụ thu hoạch nhãn lồng.
Như đã ăn sâu vào miền ký ức những người dân miền Bắc, những ngày tháng 6 Âm lịch, xuôi theo triền đê tả sông Hồng, về Phố Hiến, sẽ thấy những rặng nhãn lồng xanh tốt, sai trĩu quả, soi bóng bên bờ song, tạo nên nét độc đáo của một miền trù phú.
Phù sa sông Hồng, sông Luộc, hằng năm bồi đắp cho cho vùng quê này từng dải đất màu mỡ, kết tinh nên hương vị ngọt ngào – dịu thơm cho trái nhãn lồng như níu chân du khách, để mỗi mùa nhãn chin, lại nhớ tìm về…
Đã có thâm niên phân phối nhãn Hưng Yên từ nhiều năm nên với CEO Khim Food, mùa nhãn về đã quá quen thuộc. Kết thúc câu chuyện tiêu thụ vải thiều, chị chia sẻ về mùa nhãn thu hoạch - y như những người nông dân Hưng Yên thực thụ, từ việc thu hái nhãn không được hái dưới trời mưa sẽ dẫn tới quả nhãn bị nhạt và nứt cuống, tới việc Hưng Yên “sở hữu” bao nhiêu loại nhãn lồng chính tông…
Bởi thế nên có câu ca dao:
Cô kia cắt cỏ bên sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
Sang đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này “có lấy anh không?”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc “Công ty đưa nhãn lồng Hưng Yên vào phân phối tại các siêu thị ra sao”, CEO Khim Food nở nụ cười:
“Khim Food nhận được nhiều đơn hàng phân phối nhãn lồng vào các siêu thị, nhưng chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì. Vì nỗi lo thời tiết, bà con nông dân trồng nhãn có thể gặp rủi ro không nhỏ. Bà con vẫn thường có câu: “Nhìn thì tưởng được ăn rồi đấy, nhưng phải xem… các cụ có thương không”…”.
Năm nay, nhãn lồng không mấy được mùa; trong Tết, hoa nhãn nở khắp vườn, nhưng ra Tết, bị một trận mưa và sương muối nên ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch, tuy nhiên nắng nhiều trái nhãn trụ lại được thì rất thơm ngon...
“Như những cây vải trứng mới lai ghép nhân giống, nhiều bà con HTX gần như phát khóc, bởi vì đậu quả gần như sắp được ăn rồi, nhưng khi gặp thời tiết không tốt, rụng gần như hết. Đây là điều chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những nỗi khó khăn, vất vả của bà con nông dân”, chị Hiền tâm sự.
Nhãn lồng Hưng Yên, đã được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2017 - một bước quan trọng trong việc định vị thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho nông sản nổi danh này.
Tại Hưng Yên, một vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với nông nghiệp đa dạng, bên cạnh nhãn lồng, còn có rất nhiều sản vật nổi tiếng như hạt sen, mật ong...
Do đó, bên cạnh việc xúc tiến đầu ra cho nông sản tươi, long nhãn và nhiều loại nông sản khác được CEO Khim Food hợp tác sản xuất và thu mua đúng vụ để sản xuất ra những sản phẩm - quà tặng từ nông sản với chất lượng tốt nhất...
Ngoài nhãn, cam, nữ CEO Khim Food cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tỉnh Hưng Yên, các đơn vị, ban, ngành liên quan, các HTX để thực hiện quảng bá, tiêu thụ nhiều loại nông sản khác trong các chuỗi siêu thị đối tác, kênh thương mại điện tử nông sản, cũng như thúc đẩy truyền thông lan tỏa tới người tiêu dùng. Mong rằng, người tiêu dùng trong nước ngày càng ủng hộ nông sản Việt, tự hào phát triển nông sản Việt đặc sắc và ngày càng có giá trị...
Ghi chép củaKiều Tuyết – Hồng Nhung
Tin mới
Khai trương trung tâm thương mại AEON MALL Huế
Sáng ngày 21/9, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam (AEONMALL Việt Nam) chính thức tổ chức Lễ khai trương AEON MALL Huế, Trung tâm thương mại (TTTM) AEON MALL thứ 7 tại Việt Nam và đầu tiên tại miền Trung.
Tạm giữ hình sự đối tượng mua bán trái phép chất ma túy
Công an quận Ba Đình, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối tượng Phan Bá Trọng (SN 1983; trú tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình) để điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký chuyển giao công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Long An rà soát đối tượng trong độ tuổi để thực hiện chiến dịch tiêm ngừa sởi
Sở Y tế tỉnh Long An đã có văn bản đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tập trung triển khai giám sát và phòng, chống dịch bệnh sởi.
Nguyên Phó Chủ tịch xã bị khiển trách vì vụ 22 biệt thự xây không phép
Ông Đặng Ngọc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (đang là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lạc) bị khiển trách vì để hàng chục căn biệt thự xây không phép trên đồi.
Long An chủ động khắc phục và hạn chế thiệt hại do thiếu nước
UBND tỉnh Long An đã có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành và cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện giải pháp xử lý triệt để, lâu dài đối với vấn đề cấp nước sạch phục vụ cho người dân các xã vùng hạ.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM