Dù Bộ Tài chính đã áp trần giá sữa trong nước và sữa nhập khẩu, song giá bán lẻ nhiều sản phẩm vẫn ngang nhiên vi phạm, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang tìm cách để kiểm soát.

Nhà phân phối đổ lỗi cho cửa hàng

Việc thực hiện áp giá trần, cơ quan quản lý kỳ vọng giá sữa sẽ không còn tự do tăng vọt, thế nhưng, mục tiêu này đã không được như mong đợi, rất nhiều sản phẩm đã “vượt” giá trần từ 15.000 - 45.000 đồng/hộp.

Theo khảo sát, Ngày 22/9, tại shop đồ dùng cho trẻ em ở Định Công Thượng (Hà Nội), một số sản phẩm bán thấp hơn giá bán lẻ tối đa quy định, nhưng vẫn có nhiều mặt hàng sữa nhập ngoại bán vượt giá trần. Như sữa dê Dairy Goatlact 1, loại 400 gr dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng, ở đây có giá 300.000, trong khi theo công bố của Sở Tài chính Hà Nội (tại Công văn 3460), giá bán lẻ tối đa của sản phẩm này chỉ là 273.000 đồng/hộp. Giá bán Dielac Alpha 123, loại 400 gr hộp giấy của Vinamilk lên tới 100.000 đồng, cao hơn giá bán lẻ tối đa là 83.000 đồng.

Tại Shop Hương Anh (Khương Trung, Thanh Xuân), các loại sữa Celia nhập khẩu ở cửa hàng này đều bán vượt giá bán lẻ tối đa quy định từ 15.000 - 45.000 đồng/hộp. Shop Hương Dung ở Thái Thịnh, giá bán sữa Friso Gold 2 loại 900 gr của shop này 495.000 đồng (cao hơn 35.000 đồng so với giá bán lẻ tối đa); sữa Friso Gold số 3, loại 1,5 kg là 670.000 đồng/hộp (cao hơn 38.000 đồng). Giá bán Friso Gold số 1, loại 900 gr lên đến 500.000 đồng, trong khi Công ty TNHH Friesland Campina đăng ký giá bán buôn tối đa cho sản phẩm này là 406.000 đồng, tức giá bán lẻ tối đa không được phép vượt 467.000 đồng/hộp.

Khi người mua hàng thắc mắc thì nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng không quan tâm đến giá trần sữa, họ chỉ tính toán giá sữa bán lẻ dựa trên giá nhập và chi phí kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận phù hợp.

Theo anh Nguyễn Khánh, cán bộ kinh doanh, Công ty CP Sữa Quốc tế IDP, các hãng sữa không thể can thiệp vào giá bán lẻ của các cửa hàng, mà chỉ có thể đưa ra giá bán buôn và giá khuyến nghị bán lẻ để khuyến khích cửa hàng không bán vượt mức giá đó. Chính vì vậy, không chỉ có chuyện một vài mặt hàng sữa bán vượt giá trần, mà còn có thực trạng cùng một sản phẩm sữa, nhưng các đại lý, cửa hàng, siêu thị... bán chênh nhau tới vài chục nghìn đồng.

Khó kiểm soát giá sữa

Tại Hội thảo “Sữa và các sản phẩm sữa. Thông tin và tiếp cận thông tin về thị trường, chất lượng, giá cả” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tổ chức hôm 19/9, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký VINASTAS cho biết, mặc dù thời gian qua, Bộ Tài chính đã ra quyết định giá bán đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm kiểm soát tốt hơn thị trường này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát giá bán lẻ sữa trên 11 tỉnh, thành phố do VINASTAS tổ chức mới đây, đã phát hiện 2 sản phẩm sữa (trong tổng số 25 sản phẩm sữa) có giá bán lẻ cao hơn so với quy định của Bộ Tài chính.

Có một thực tế đó là giá bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ lẻ thường cao hơn giá bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và đại lý. Lý giải cho nguyên nhân này, ông Vương Ngọc Tuấn cho rằng, tại những cửa hàng nhỏ lẻ này thường nằm trong các ngõ xóm nên rất khó kiểm soát và không bị khống chế giá bán theo quy định của Bộ Tài chính. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp, nhiều chủng loại sữa khác nhau và giá cả cũng khác nhau, nhưng những thông tin có được để giúp người tiêu dùng có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất đều rất thiếu, nếu có thì cũng không cập nhật, không được kiểm chứng, từ những nhà cung cấp, cơ quan quản lý đến người mua.

Bà Phạm Thị Vĩnh Hà, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thừa nhận, sau khi quyết định của Bộ Tài chính được ban hành, Cục đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thấy rằng, việc chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa tại các địa phương bước đầu đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, song chưa làm được nhiều, mới dừng lại ở một số địa bàn. Việc chia sẻ thông tin giữa các chi cục quản lý thị trường và với lực lượng chức năng khác có lúc chưa kịp thời, còn nặng về hành chính. Trong khi đó, diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, các vụ việc đột xuất, mới phát sinh có xu hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Cục Quản lý thị trường đã có kiến nghị, trong thời gian tới, các địa phương phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các đại lý, siêu thị không tuân thủ theo giá bán đã đăng ký. Bên cạnh đó, cũng cần cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để họ biết và lựa chọn những nơi có giá bán hợp lý…

Thanh Hoa