Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn đang có xu hướng tăng từ đầu năm, bởi quá trình phục hồi kinh tế sẽ khiến nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao.
Như giá các loại nguyên liệu đầu vào quặng sắt, phôi thép đã liên tục tăng, làm cho chỉ số giá sản xuất (PPI) nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5 đã tăng tới 40,47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn giá dầu thế giới cũng diễn biến phức tạp. Giá dầu Brent bình quân 5 tháng đầu năm đã tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam hiện vẫn đang phải nhập khẩu lượng lớn xăng dầu.
Tương tự, 80 - 85% thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn là hàng nhập khẩu. Vậy nên không thể nằm ngoài chu kỳ tăng giá trên thế giới. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới giá thịt gia súc, gia cầm và thuỷ sản thời gian tới.
Không chỉ như vậy, theo Tổng cục Thống kê, chính sách phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia lại cũng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát.
Cơ quan thống kê khuyến nghị, bên cạnh các chính sách bình ổn giá, chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, biến động giá của mặt hàng thép cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Dù áp lực lạm phát nửa cuối năm là rất lớn, nhưng với mặt bằng lạm phát 5 tháng ở mức khá thấp, dư địa để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% cho cả năm là hoàn toàn khả thi.
Trúc Mai