Thư viện Quốc gia Việt Nam là nơi có thể đáp ứng cho công chúng những trải nghiệm riêng về không khí lịch sử của hội nghị Geneva (Giơ-ne-vơ), cách đây tròn 70 năm.
Không bị ngăn cách bởi tủ kính như trong bảo tàng, không khó tiếp cận như trong kho lưu trữ, độc giả có thể sờ tận tay, nhìn tận mắt tư liệu khi bước vào hành trình ngược dòng lịch sử thông qua những cuốn sách xuất bản năm 1954.
Lời đanh thép trong bối cảnh phức tạp
“Hỏi và đáp về Hội nghị Giơ - Ne” của Nguyễn Viết Chung, “Đẩy mạnh đấu tranh sau lưng địch để ủng hộ Hội nghị Giơ-ne”, “Nhận định đúng về hội nghị Giơ-ne-vơ tích cực công tác hoàn thành nhiệm vụ” của Ban Tuyên huấn Vĩnh Phúc, lần lượt được phát hành vào tháng 4, 5, 6 năm 1954 - đúng lúc cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán đang diễn ra căng thẳng. Đây cũng là 3 cuốn sách độc giả có thể trải nghiệm tại phòng đọc của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Những cuốn sách mỏng, in khổ nhỏ 9x12cm hoặc 12x16cm, toát ra ngọn lửa chiến đấu hừng hực qua từng trang giấy nhuốm màu thời gian. Nội dung các tác phẩm không chỉ giới thiệu bối cảnh của hội nghị Genève, quan điểm của các bên tham gia đàm phán, mà còn định hướng nhân dân ta nên có thái độ như thế nào trước sự kiện này.
“Hội nghị Giơ-ne họp càng làm cho mọi người phấn khởi trong việc đẩy mạnh công tác. Tuy nhiên, với việc hội nghị Giơ-ne họp chúng ta cần cùng nhau nhận định cho đúng, đánh giá cho đúng, để mỗi người trong cương vị công tác của mình thấy rõ phương hướng, ra sức làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với kháng chiến” – Khí thế thời cuộc hiện lên từ những dòng đầu tiên trong cuốn Hỏi và đáp về Hội nghị Giơ-Ne.
70 năm trước, cuộc đấu tranh nơi hậu phương cũng căng thẳng, quyết liệt không kém cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán. Đặc biệt là cuộc đấu tranh tư tưởng, xác định thái độ đúng đắn về hội nghị Genève.
Thời điểm ấy, địch tung tin rằng “ta yếu nên phải xin điều đình” rồi “nhân dân ta kháng chiến 8 năm mệt mỏi quá rồi nên cụ Hồ phải xin điều đình”. Đó là những luận điệu vu cáo nhằm gieo rắc tâm lý hoang mang cho nhân dân Việt Nam. Ở hậu phương thì xuất hiện “thái độ khoanh tay chờ hoà bình”, “tâm lý lơ là kháng chiến” hay “bàng quan, hoài nghi trước hội nghị Giơ- ne- vơ”.
Trong bối cảnh thời cuộc như vậy, những lời đanh thép đã cất lên.
“Có người cho rằng điều đình đến nơi rồi, sinh ra lơ là kháng chiến. Nghĩ như vậy là chưa thấy được dã tâm của bọn đế quốc.
Lại có người nghĩ rằng: Kháng chiến ta càng ngày càng mạnh, cứ đánh dúi nó đi. Không điều đình gì cả. Nghĩ như vậy là không biết lợi dụng thời cơ thuận lợi.
Có người nông nổi nghĩ rằng: Miễn làm thế nào có hoà bình là được rồi. Chiến tranh mãi thì khổ. Đó là tư tưởng hoà bình không điều kiện!
Cần nhận rõ rằng: Chiến tranh thì khổ. Nhưng nô lệ còn khổ gấp ngàn lần, khổ đến muôn đời…” – Trích cuốn "Nhận định đúng về hội nghị Giơ-ne-vơ tích cực công tác hoàn thành nhiệm vụ".
Hay như trong cuốn "Đẩy mạnh đấu tranh sau lưng địch để ủng hộ Hội nghị Giơ-ne" có đoạn: “Hoà bình phải do đấu tranh gian khổ và kiên nhẫn mới giành được: không những đấu tranh bằng chính trị, ngoại giao, mà căn bản phải do đấu tranh bằng quân sự quyết định. Cho nên muốn hoà bình thì phải kháng chiến mạnh… Một điều nữa nên nhớ là: hoà bình không phải đấu tranh dăm ba ngày, một vài tháng mà có”.
Cùng với cuộc đấu tranh tư tưởng là những hướng dẫn cụ thể về việc làm gì để ủng hộ hội nghị Genève ? Đó là đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt sinh lực địch, củng cố mở rộng căn cứ, ngụy vận làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, đấu tranh chống giặc bắt lính, đẩy mạnh sản xuất, cải tiến kỹ thuật…
70 năm nhìn lại
Ngày 21/7/1954, hội nghị Genève khép lại. Việt Nam có được hòa bình trên một nửa đất nước sau khi ký kết Hiệp định Genève. Pháp phải rút quân, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam và Lào, Campuchia. Đây là mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam, đánh dấu kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Theo nội dung của bản Hiệp định Genève, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời. Trong thời gian 2 năm sẽ thống nhất hai miền trên cơ sở một cuộc tổng tuyển cử tự do.
Tuy nhiên, sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến chia cắt hai miền đất nước cho tới tận năm 1975. Dân tộc Việt Nam tiếp tục phải đấu tranh ròng rã, đổ nhiều xương máu tới ngày 30/4/1975 non sông mới thu về một mối.
Chúng ta thực sự không thể “khoanh tay chờ hòa bình” mà “hòa bình phải do đấu tranh gian khổ và kiên nhẫn mới giành được”.
Nhìn lại những cuốn sách xuất bản cách đây 70 năm, chúng ta thấy được nhận thức đúng đắn của thế hệ đi trước với hội nghị Genève nói riêng và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung.
Đây cũng là những tư liệu quý để công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm vóc của Hiệp định Genève trong lịch sử Việt Nam.
Theo vov.vn