THCL Nhân dịp đầu năm mới 2016, GS,TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng “trong nhiệm kỳ 5 năm, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch với nhiều điểm tích cực và rất đáng chú ý”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, năm 2015, dù điều kiện kinh tế thế giới đang rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành quả rất đáng phấn khởi. Những vấn đề được dự báo từ đầu năm đều trở thành hiện thực.

Điểm sáng thứ nhất, nền kinh tế đã tăng trưởng trên 6,5%, ước tính tăng 6,68%. Trong nhiệm kỳ 5 năm, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch, với nhiều điểm rất tích cực và rất đáng chú ý: Một là, sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 10,60%; hai là, tốc độ sản xuất và xuất khẩu của FDI có sự tăng trưởng rất cao, 12 tháng qua tăng 18,3% so với cùng kỳ; ba là, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014); bốn là, hiệu ứng rất tốt của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…, hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Theo tổng kết của báo chí Nga, năm 2015, Việt Nam là nước bội thu nhất về các hiệp định song phương và đa phương trên thế giới.

Những yếu tố tăng trưởng này không chỉ là kết quả riêng của năm 2015 mà là của cả một quá trình bắt đầu từ năm 2011 khi Đảng và Nhà nước ta điều chỉnh về mục tiêu phát triển, chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh bền vững sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước.

Với tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn, chúng ta đã tổ chức thực hiện việc chuyển hướng. Đây là một thành công kép cả trong kế hoạch cũng như hành động.

Điểm sáng thứ hai của năm 2015 là kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định. Trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế thế giới và Trung Quốc sụt giảm, biến động… thì việc chúng ta vẫn giữ được thành tích này thực sự là một điểm rất sáng của nền kinh tế. Lạm phát thấp nhất trong 14 năm nay, chưa đến 1%; lãi suất cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay có giảm, xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán thặng dư, nhiều cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, kể cả khi FED tăng lãi suất.

Điểm sáng thứ ba, đó là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong những lĩnh vực trọng tâm như: Doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu nông nghiệp…

Điểm sáng thứ tư, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện. Chúng ta chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa với ASEAN, đơn giản hóa được các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng, đầu tư xây dựng, cấp phép, tài nguyên và môi trường… Theo khẳng định của Chính phủ, những vấn đề này chúng ta triển khai rất quyết liệt.

Điểm sáng thứ năm phải nói khách quan rằng, năm qua chúng ta không chỉ thành công mà là rất thành công. Tôi đọc một số báo chí quốc tế họ có tổng kết và bình luận rằng năm 2015, Việt Nam là nước bội thu nhất trên thế giới về các hiệp định song phương và đa phương. Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo ra hiệu ứng rất tốt.

Trong một năm qua, chúng ta đã ký kết và kết thúc đàm phán 4 Hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn mạnh nhất thế giới hiện nay. Trong đó, hai Hiệp định thương mại đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU.

Ngày 31/12/2015, chúng ta cũng cùng các nước trong khối ASEAN chính thức xác lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người, tổng sản lượng (GDP) hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD và là nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới.

Sau một năm thì điều lạ còn trở thành điều rất thú vị, rất nổi bật của năm 2015. Như với TPP, đầu năm 2015, chúng ta lo nhất TPP sẽ lại “nợ đọng” vì Hiệp định này trong những năm qua đã có không ít lần bị trễ hẹn. Chưa bao giờ chúng ta gặp phải những mục tiêu đàm phán khó  và để đi đến thành công lại khó như thế. Nhưng cuối cùng đàm phán TPP đã về đích. Ngày 4/2/2016 sẽ ký cấp Bộ trưởng chính thức, dự kiến tại New Zealand, sau đó sẽ qua quy trình báo cáo Quốc hội các nước phê chuẩn.

Một vấn đề nữa, lĩnh vực an sinh xã hội được chú trọng; quốc phòng an ninh được tiếp tục tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ trên cả ba tiêu chí. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Một nhiệm kỳ với nhiều “kỳ tích”

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, năm 2015, là năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều bộ luật, khung thể chế kinh tế liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh được ban hành, có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp... thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho tiến trình hội nhập sâu rộng.

Nhìn lại cả chặng đường ba mươi năm đổi mới, có thể khẳng định rằng đây cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Cho đến nay đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 170 quốc gia. Cùng với đó, trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký kết. Quan hệ hợp tác đa phương và khu vực tích cực hơn với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)…

Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy. Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Dù vậy, thành công không nên chỉ nhìn vào năm 2015 mà cần nhìn tổng thể giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất để đạt được kết quả này là chúng ta đã nhìn thẳng sự thật thực trạng kinh tế - xã hội lúc bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh nước ta phải chịu tác động, hậu quả của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới nhiều hơn cả và đã đưa ra được những dự báo thận trọng nhất. Trên cơ sở đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có những điều chỉnh mang tính chiến lược.

Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI đã kết luận là dứt khoát chuyển từ phát triển nóng về đầu tư dàn trải sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không cần thiết tăng trưởng bằng mọi giá, kết hợp tăng trưởng hợp lý với đảm bảo an sinh xã hội. Các kế hoạch, giải pháp hàng năm của chúng ta đều đã kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu tổng quát đó nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2015, giai đoạn 2011-2015.

Theo Báo Điện tử Chính phủ