10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định số 2691/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp.
Top 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của Ngành Tư pháp
1.Bước hoàn thiện pháp luật quan trọng của ngành Tư pháp
Luật Trợ giúp pháp lý lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp làm trung tâm; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mở rộng phạm vi, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Năm 2017, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối (100% đại biểu có mặt tán thành đối với Luật trợ giúp pháp lý, hơn 99% đối với Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước). Việc Quốc hội thông qua hai luật này là bước hoàn thiện quan trọng đối với khung pháp lý trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bồi thường nhà nước. Trong đó, Luật trợ giúp pháp lý với tinh thần lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý và quy định nhiều cơ chế để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thể hiện rõ hơn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho công dân, thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
2. Hợp tác song phương trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp phát triển lên tầm cao mới với điểm nhấn là bước đột phá trong quan hệ với các nước láng giềng
Năm 2017, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, đưa các mối quan hệ hợp tác song phương, nhất là quan hệ với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn. Đặc biệt, kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Bộ Tư pháp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa với điểm nhấn là việc tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm hợp tác tư pháp Việt Lào tại Viêng Chăn; trình phê duyệt Dự án viện trợ đầu tiên trong lĩnh vực pháp luật của Chính phủ Việt Nam cho Bộ Tư pháp Lào; nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương có chung đường biên giới đã được các Sở Tư pháp tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả... Với Campuchia, năm 2017 đánh dấu việc hai Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Tây Ninh với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và hơn 20 tỉnh vùng biên giới của hai nước. Với Trung quốc, nhiều định hướng hợp tác về pháp luật đã được thảo luận tại cấp Lãnh đạo của hai Bộ Tư pháp trong chuyến thăm và làm việc chính thức của Bộ Tư pháp Việt Nam tại Trung quốc năm 2017.
3. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có nhiều chuyển biến
Chấm dứt nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới; phản ứng chính sách kịp thời, nhạy bén hơn.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, thực chất, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh năm 2017 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, các Bộ, cơ quan đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 37 Nghị định và 03 Quyết định, hoàn thành 100% số văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực trong năm; chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức thành công nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, chương trình đối thoại, tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút hàng trăm ngàn thí sinh, công dân tham gia. Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành, địa phương đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 với 05 Đề án, nhiều giải pháp mới từng bước đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu.
Nhiệm vụ phản ứng chính sách được toàn Ngành thực hiện kịp thời, nhạy bén và sát với thực tiễn hơn thông qua công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Bộ, ngành Tư pháp đã vào cuộc chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban hành văn bản, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật; một số văn bản trái pháp luật tồn tại qua nhiều năm đã được xử lý dứt điểm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật, được dư luận xã hội hoan nghênh.
4. Đúc rút, vận dụng giá trị lịch sử về cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay
Nhằm kế thừa kinh nghiệm quản trị quốc gia đặc sắc trong lịch sử và truyền thống vẻ vang của dân tộc, Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu làm sáng tỏ và phổ biến những bài học kinh nghiệm quý về cải cách pháp luật, xây dựng bộ máy nhà nước và trọng dụng hiền tài dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong đó, điểm nhấn là việc Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại” tại Thanh Hóa nhân kỷ niệm 520 năm ngày mất của nhà Vua. Đây là Hội thảo được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với sự tham gia của nhiều đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Hội thảo đã truyền tải thông điệp mang tính thời sự về kinh nghiệm trị quốc của các bậc tiền nhân trong lịch sử, coi trọng việc xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ đội ngũ quan lại để bảo đảm sự vững mạnh của chính quyền và tầm quan trọng của nhân tài với sự thịnh suy ở mỗi dân tộc.
Kết quả của Hội thảo đã được Bộ Tư pháp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và phổ biến rộng rãi cho các bộ, ban, ngành, các cơ quan truyền thông, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để nghiên cứu, vận dụng trong triển khai các nhiệm vụ về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và chiến lược cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
5. Công tác thi hành án dân sự tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay về việc và về tiền thi hành án
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (5,57% về việc và 19,67% về tiền tương đương gần 173 nghìn tỷ đồng) song Hệ thống Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao nhất từ trước đến nay, cao hơn so với năm 2016 là hơn 19 nghìn việc và 6 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự được chú trọng, đổi mới; Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về tăng cường công tác phối hợp trong công tác thi hành án dân sự. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường trong hoạt động của Hệ thống Thi hành án dân sự. Tất cả Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên phạm vi toàn quốc đã triển khai hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự, cơ chế một cửa và công bố, niêm yết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy trình thống nhất và đã nhận được nhiều phản ánh tích cực từ cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp.
6. Triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, kịp thời phục vụ nhân dân
Nhằm góp phần đưa Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đạt các Mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra, trên cơ sở kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký và thống kê hộ tịch tại Băng Cốc, Thái Lan,Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 là lộ trình quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia và tiếp tục triển khai Luật hộ tịch, đến nay, toàn Ngành đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh/thành phố; triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh/thành phố; việc đăng ký hộ tịch tại các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện đăng ký khai sinh mới cho gần 2 triệu trường hợp, đăng ký khai sinh lại cho hơn 750 nghìn trường hợp (tăng tới 38,3% so với năm 2016); đăng ký kết hôn cho hơn 700 nghìn cặp vợ chồng...
7. Vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đạt mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Trên cơ sở nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 36a/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã triển khai nâng cấp và đưa vào vận hành phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm bằng động sản đạt mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến. Đây là dịch vụ công đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp cung cấp trực tuyến ở mức độ cao nhất. Với nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm nêu trên, năm 2017, các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Bộ đã giải quyết gần một triệu đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng 27% so với năm 2016), trong đó, số đơn đăng ký trực tuyến chiếm hơn 50%. Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện đáng kể chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam, lên đến vị trí thứ 29/190 quốc gia (theo công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng thế giới).
8. Các cơ sở đào tạo khởi sắc về chỉ tiêu, chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, phục vụ hội nhập quốc tế
Tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp chất lượng cao góp phần thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, năm 2017, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng với chất lượng ngày càng được nâng cao. Trường Đại học Luật Hà Nội đã tuyển sinh và tổ chức nhập học cho khoảng 3.000 sinh viên chính quy, hơn 500 sinh viên hệ vừa học vừa làm, và hơn 500 học viên cao học, nghiên cứu sinh; Học viện Tư pháp tuyển sinh hơn 4.000 học viên. Học viện Tư pháp, các Trường trung câp Luật thuộc Bộ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều khóa đào tạo các chức danh tư pháp, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ tư pháp cơ sở. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, Học viện Tư pháp đã khai giảng lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế Khóa I năm 2017, bước đầu hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.
9. Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vượt tiến độ, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp
Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành thực hiện pháp điển xong đối với 67/265 đề mục, hướng tới mục tiêu “về đích sớm” trong việc xây dựng Bộ pháp điển so với lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gần hai nghìn văn bản trên tổng số khoảng mười nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương đã được rà soát, làm “sạch” và tập hợp, sắp xếp vào Bộ pháp điển, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Trên cơ sở kết quả pháp điển của các Bộ, cơ quan, ngày 13/6/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Đất đai và 35 đề mục. Kết quả này được chính thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (//www.phapdien.moj.gov.vn) để các cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng, tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Mặc dù đây mới là kết quả triển khai bước đầu nhưng đã được người dân, doanh nghiệp đón nhận tích cực, thể hiện qua hơn một triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
10. Ngành Tư pháp tích cực, chủ động hưởng ứng thông điệp của Chính phủ về “hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”
Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cùng tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã rà soát tổng thể các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; qua đó đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung 16 Luật trong các lĩnh vực này. Công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp được toàn Ngành chú trọng thực hiện, đảm bảo loại bỏ những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh.
Việc theo dõi thi hành pháp luật có trọng tâm, trọng điểm hơn, tập trung nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động. Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục được triển khai đồng bộ trên cả nước, đã tổ chức hơn 100 tọa đàm đối thoại, bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp, thu hút gần 10.000 đại biểu đại diện doanh nghiệp tham dự; xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại 31 tỉnh, thành phố; xây dựng và phát sóng 42 “Chương trình kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam, 208 chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đỗ Uyên
Tin mới
Hải Phòng: Hỗ trợ đưa hơn 100 người dân sinh sống tại khu vực đê sông Lạch Tray đến nơi an toàn
Trong 2 ngày 10 và 11/9, Công an quận Lê Chân phối hợp với UBND các phường Vĩnh Niệm, Nghĩa Xá cùng các lực lượng địa phương đã khẩn trương di dời hơn 100 dân đang sinh sống tại khu vực ven đê sông Lạch Tray đến nơi an toàn để phòng, chống ngập lụt do ảnh hưởng xả lũ của các hồ chứa thượng lưu và ảnh hưởng triều cường, mưa lũ sau bão số 3 trên địa bàn quận Lê Chân.
Cập nhật thông tin về ảnh hưởng của bão số 3 đến vận hành và cấp điện tính đến sáng 12/9
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông tin cập nhật lúc 10h ngày 12/9 về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) và lũ lụt tại các tỉnh phía Bắc đến vận hành và cung cấp điện.
Hai trường hợp bị phạt hành chính do không chịu sơ tán đến nơi an toàn
Ngày 11/9, Công an huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết đã ra quyết định xử phạt 2 công dân không chấp hành quy định của pháp luật về thiên tai.
Cảnh báo Fanpage giả mạo để lừa đảo
Trước những ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là sau sự cố cầu Phong Châu bị gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu, nhiều trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao đang kêu gọi ủng hộ vào tài khoản ngân hàng có tên của cá nhân là: Trang Thanh Lan. Do vậy, người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.
Theo South China Morning Post, Đông Nam Á đang 'vá lại những vết nứt' của trật tự thế giới
Bài viết cho rằng, cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp quốc tháng 9/2024 - cuộc họp của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh - lại diễn ra trên nền tảng của một trật tự thế giới nhiều khủng hoảng. Và, Đông Nam Á đang 'vá lại những vết nứt' của trật tự thế giới.
Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 phải di dời bệnh nhân do bị ngập
Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 (phố Tân Ấp, phường Phúc Xá, quận Ba Đình) bị ngập. Sở Y tế Hà Nội đã huy động Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thận Hà Nội hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân của bệnh viện này.
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào